Cần bổ sung quy định về thanh niên chuyển giới, đồng tính

(PLO) - Ngày 25/12, tại TP HCM, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).
Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ trì tổ chức một số tọa đàm, hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Sở Nội vụ một số địa phương và các đối tượng thanh niên góp ý vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Các ý kiến góp ý đã được Bộ Nội vụ tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa phù hợp. Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 07 chương và 63 điều; so với Luật Thanh niên năm 2005 tăng 01 chương và 27 điều.

Theo đề nghị của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, hội thảo cần phải làm rõ một số vấn đề như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên (sửa đổi); Việc thể chế hóa quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên theo quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013; Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên được quy định trong dự thảo Luật; Những quy định cần bổ sung làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên; Trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với thanh niên…

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, một số ý kiến cho rằng, nghĩa vụ của thanh niên quy định tại Chương II dự thảo là cần thiết nhưng khả năng của các nhóm thanh niên không đồng nhất.

Do đó, cần tùy vào nghĩa vụ và khả năng của thanh niên để tạo cơ hội giúp họ tham gia một cách thiết thực, hiệu quả. Về bảo vệ sức khỏe, cần giải thích thuật ngữ “các tệ nạn xã hội” hoặc có thể thay thế bằng “các hành vi có hại cho sức khỏe”.

Đề nghị thay đổi thuật ngữ “các bệnh xã hội khác” bằng “các bệnh truyền nhiễm và các bệnh không truyền nhiễm trong xã hội”. Ngoài ra, cần có quy định để thanh niên không bị lạm dụng trên không gian mạng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ.

Đại diện Tỉnh đoàn Bình Dương đề nghị bổ sung quy định về thanh niên chuyển giới, thanh niên đồng tính, đặc biệt là bổ sung các chế độ, chính sách đối với thanh niên tình nguyện. Thanh niên là đối tượng đặc thù trong xã hội, do đó, có thể bổ sung quy định Nhà nước dành một phần ngân sách để chăm lo, phát triển thanh niên.

Trong khi đó, đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đề nghị loại bỏ quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên di cư vì hiện đã có Luật Cư trú; thanh niên nhập cư hay di cư đều là thanh niên, là công dân Việt Nam, đều được hưởng những chính sách và có nghĩa vụ, trách nhiệm như nhau… 

Đọc thêm