Cân nhắc các phương án điều chỉnh lương hưu

(PLO) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng, nhằm khắc phục những bất cập trong việc điều chỉnh lương hưu thời gian qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc xây dựng quy định mới nhằm thực hiện Điều 57 Luật BHXH và  Nghị quyết số 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01/7/2018”.

Có thể bù đắp phần lương hưu bị giảm do thay đổi công thức tính lương hưu với nữ?

Có 2 phương án về đối tượng điều chỉnh đã được Bộ LĐTB&XH đề xuất trong dự thảo Nghị định. Phương án 1, giữ nguyên đối tượng điều chỉnh như những lần điều chỉnh lương hưu trước đây, tức là điều chỉnh đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/7/2018. Phương án này đảm bảo đúng thông lệ của những lần điều chỉnh trước đây, việc triển khai thực hiện đơn giản, thuận tiện, nhưng lại chưa xử lý được vấn đề về lương hưu của lao động nữ nghỉ hưu từ 01/01/2018 bị giảm do thay đổi công thức tính lương hưu theo quy định mới của Luật BHXH năm 2014.

Phương án 2 có kết hợp xử lý để bù đắp một phần lương hưu bị giảm đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018, theo đó, ngoài đối tượng điều chỉnh là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng thì bổ sung điều chỉnh đối với nhóm lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018.

Phương án này khắc phục được hạn chế của Phương án 1, tạo được sự đồng thuận của lao động nữ và xã hội, nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý về căn cứ điều chỉnh và nguồn lực đảm bảo. Việc thực hiện điều chỉnh với đối tượng này khá phức tạp trong tổ chức thực hiện, đối tượng này sẽ luôn phát sinh trong vòng 5 năm tới khi tương quan với lộ trình thay đổi công thức tính lương hưu của nam giới. 

Phương án nào có thể thu hẹp khoảng cách? 

Liên quan đến mức điều chỉnh, cũng có hai phương án được đưa ra. Phương án 1 là từ ngày 01/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng.

Phương án này đảm bảo theo đúng thông lệ đã được thực hiện trong những năm trước đây, đảm bảo mối tương quan về tiền lương hưu của người nghỉ hưu thuộc khu vực Nhà nước trước và sau thời điểm điều chỉnh 01/7/2018. Tuy nhiên, phương án này không xử lý được các vấn đề bất cập phát sinh như chênh lệch về số tiền tuyệt đối nhận được của người có mức lương hưu cao với người có mức lương hưu thấp, vấn đề của người nghỉ hưu trước năm 1995 và không xử lý được lương hưu giảm do thay đổi công thức tính lương hưu đối với nữ.

Phương án 2 kết hợp khắc phục những bất cập trong việc điều chỉnh lương hưu trong thời gian qua, tức là từ ngày 01/7/2018, mức lương hưu của người nghỉ hưu được điều chỉnh như sau: Tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 01/01/1995 (thuộc nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo); Tăng thêm 3,53% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng trong giai đoạn từ ngày 01/01/1995 đến trước ngày 01/07/2018 (thuộc nguồn Quỹ BHXH đảm bảo).

Theo quan điểm của Bộ LĐTB&XH, phương án này vẫn đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật BHXH (lương hưu được bù đắp toàn bộ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 là 3,53%) và quy định tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 (điều chỉnh đối với đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm tăng bằng mức tăng lương cơ sở), đồng thời giải quyết được vấn đề lương hưu thấp của các đối tượng hưu trước năm 1995 và vấn đề lương hưu cao (chỉ được bù đắp bằng đúng trượt giá). Mặt khác, việc điều chỉnh như trên sẽ tạo nguồn cho việc xử lý vấn đề lương hưu giảm đối với nữ do thay đổi công thức tính lương hưu từ ngày 01/01/2018 (nếu có). 

Tuy nhiên, phương án này sẽ làm phát sinh chênh lệch mức lương hưu của người nghỉ hưu khu vực Nhà nước (mức chênh lệch khoảng 3,5% do người nghỉ hưu trước chỉ được điều chỉnh 3,53% trong khi người nghỉ hưu sau sẽ được áp mức lương cơ sở mới tăng thêm 6,92%). Vấn đề về chênh lệch mức tăng tuyệt đối của người lương hưu cao và lương hưu thấp khi nghỉ hưu trong cùng giai đoạn là chưa được giải quyết.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ này cũng đề xuất các phương án bổ sung như tiếp tục phân loại mức lương hưu để điều chỉnh cho nhóm nghỉ hưu thuộc nguồn Quỹ BHXH đảm bảo, cụ thể: Tăng thêm 3,53% đối với người có mức lương hưu từ 13,9 triệu đồng/tháng (10 lần mức lương cơ sở) trở lên; Tăng thêm 5,00% đối với người có mức lương hưu dưới 13,9 triệu đồng/tháng.

Lương hưu khác nhau là vấn đề luôn tồn tại?

Bộ LĐTB&XH cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề xử lý mức chênh lệch lương hưu và lương hưu thấp của những người nghỉ hưu trước năm 1995 đã được xử lý trong những thời gian trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 05 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 1,7 đến 2,3 lần so với mức lương của tháng 12 năm 2002. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 10 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với mức tăng trên 3 lần (tùy thuộc vào đối tượng) so với cuối năm 2007. 

Tuy nhiên, để xử lý vấn đề mức chênh lệch lương hưu thì vẫn phải dựa trên nguyên tắc của bảo hiểm xã hội: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, do vậy, vấn đề lương hưu khác nhau giữa các thời kỳ luôn phát sinh và tồn tại trong thực tế.

Đồng thời, theo quy định của Luật BHXH và Nghị quyết số 49/2017/QH14 của Quốc hội thì việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng là như nhau, không có sự phân biệt về đối tượng và mức điều chỉnh. Do vậy, mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng năm 2018 đối với các đối tượng vẫn sẽ bằng mức tăng lương cơ sở là 6,92% theo đúng như thông lệ ở những lần điều chỉnh lương hưu trước đây. Vấn đề về xử lý lương hưu trước năm 1995 và giải quyết chênh lệch về mức tăng tuyệt đối của những người có mức lương hưu cao và người có mức lương hưu thấp sẽ phải được đặt ra trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho những năm tiếp theo. 

Đọc thêm