Cấp trên giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền cấp dưới: “Không khách quan” được xác định như thế nào?

(PLVN) - Trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đang được xây dựng, các hướng dẫn cụ thể đã được Thanh tra Chính phủ đề xuất nhằm thực hiện quy định cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những quy định mới của Luật Tố cáo nhằm đảm bảo cho việc giải quyết tố cáo được chính xác, khách quan, đúng pháp luật là quy định tại khoản 5 Điều 38, theo đó, trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.

Để hướng dẫn chi tiết khoản 5 Điều 38 Luật Tố cáo năm 2018, tại Điều 5 dự thảo Nghị định quy định các căn cứ để người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới. Theo đó, khi có căn cứ xác định việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên phải giải quyết tố cáo trong những trường hợp như: nội dung tố cáo sẽ không được kết luận chính xác, khách quan; vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo dẫn đến kết luận tố cáo không chính xác, khách quan hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; có một trong các căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo.

Nhóm căn cứ khác để người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới là khi có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới. Những dấu hiệu “không khách quan” được xác định là: người bị tố cáo là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo; tố cáo có liên quan trực tiếp đến vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, của người giải quyết tố cáo; người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có lợi ích liên quan trực tiếp đến người bị tố cáo. 

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đề xuất quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp lấy vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định để giải quyết thì phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp dưới chấm dứt giải quyết và chuyển vụ việc cho cơ quan, tổ chức cấp trên. Khi nhận được hồ sơ vụ việc thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên ra quyết định thụ lý tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp giải quyết vụ việc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời hạn giải quyết được tính từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định khi phát hiện tố cáo thuộc một trong các trường hợp “có dấu hiệu không khách quan”, người giải quyết tố cáo phải báo cáo bằng văn bản và chuyển hồ sơ vụ việc tố cáo đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp để giải quyết.

Đọc thêm