“Chung sống như vợ chồng” với người khác đến mức nào thì phạt tiền, mức nào bị tù?

(PLVN) - “Sống chung như vợ chồng” là cụm từ thường nghe nói, nhưng như thế nào là sống chung  như vợ chồng với người khác và có phải tất cả các trường hợp đều có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự hay không? Luật sư Lê Ngọc Hà (Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006189) tư vấn rõ hơn về vấn đề này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Nếu nam, nữ chỉ lén lút quan hệ tình dục với nhau mà không sống chung thì không coi là chung sống như vợ chồng. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1, Mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001 của liên ngành các cơ quan tư pháp, thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình.

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.

Người đã có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự.

Cụ thể, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng” quy định, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, nếu thuộc một trong hai trường hợp. 

Thứ nhất, làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. Đây là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, cụ thể là dẫn đến ly hôn, tan vỡ gia đình của một bên hoặc cả hai bên. Ly hôn được hiểu là đã ly hôn tại cơ quan Tòa án có thẩm quyền, đã có Quyết định hoặc Bản án có hiệu lực pháp luật về việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng của người có yêu cầu ly hôn. Nếu hành vi chung sống như vợ chồng với người khác chỉ dẫn đến hậu quả gây mất hạnh phúc gia đình, dẫn đến vợ chồng ly thân mà chưa ly hôn thì chưa đủ điều kiện xử lý hình sự.

Trường hợp thứ hai là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Cụ thể, hành vi chung sống như vợ chồng với người khác trước đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP) mà vẫn tái phạm hành vi chung sống như vợ chồng với người khác thì đủ điều kiện áp dụng Điều 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nếu người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà chưa bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chưa cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện áp dụng Điều 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong hai trường hợp: Thứ nhất, làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. Đây cũng là điều kiện bắt buộc quy định về hậu quả xảy ra từ hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, là hậu quả nghiêm trọng gây ra tổn thương nặng nề về tâm lý, tình cảm của thành viên trong gia đình có người vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Con của một trong hai bên được hiểu là con hình thành trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bên đó, kể cả con nuôi theo quy định đã có Quyết định công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND cấp xã, phường, thị trấn. Việc tự sát không cần phải gây ra hậu quả chết người, có thể tự sát nhưng không thành, tự sát nhưng được người khác phát hiện ra sớm và cứu sống… cũng vẫn đủ điều kiện là tình tiết định khung để xử lý hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp thứ hai,  đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.  Quy định này đưa ra để xử lý đối với các trường hợp nam nữ có hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng, đã có quyết định can thiệp của Tòa án bằng Quyết định hoặc Bản án dân sự hoặc hình sự có hiệu lực pháp luật về việc chấm dứt mối quan hệ vợ chồng trái pháp luật mà vẫn không chấp hành, vẫn cố ý duy trì mối quan hệ bất hợp pháp đó.

Luật sư Lê Ngọc Hà 

Đọc thêm