Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

(PLVN) - Theo Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện (gọi tắt là chương trình hưu trí) là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (gọi tắt là quỹ hưu trí) khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật.

Người đủ 15 tuổi trở lên có thể tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Quỹ hưu trí là quỹ tài chính để thực hiện chương trình hưu trí, được hình thành từ sự đóng góp của người lao động (NLĐ) tham gia quỹ và người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của NLĐ và cá nhân, NSDLĐ (đóng góp cho NLĐ) trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Khoản đóng góp của người tham gia quỹ bao gồm cả khoản đóng góp của NSDLĐ (nếu có) được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

Người tham gia quỹ có quyền sở hữu đối với tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản quỹ hưu trí phải được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, NSDLĐ và các tài sản quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.

Mức chi trả hưu trí được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả.

Nhà nước khuyến khích phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi quy định tại pháp luật về thuế, đồng thời quản lý, giám sát việc thực hiện chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, quản lý, giám sát hoạt động của quỹ hưu trí thông qua việc ban hành chính sách, chế độ đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia đóng góp quỹ. Tuy nhiên, Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.

Đối tượng tham gia đóng góp quỹ gồm: NSDLĐ đóng góp cho NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động; NLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động; Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Phương thức tham gia đóng góp

Có 2 phương thức tham gia đóng góp chương trình hưu trí tự nguyện. Thứ nhất, tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua NSDLĐ (bao gồm: NSDLĐ đóng góp vào quỹ hưu trí cho NLĐ của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của NLĐ; NSDLĐ và NLĐ cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ).

Thứ hai, tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí (bao gồm: NLĐ đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của NSDLĐ; Cá nhân đủ 15 tuổi đóng góp vào quỹ hưu trí).

Đối với phương thức tham gia đóng góp thông qua NSDLĐ, căn cứ vào yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, NSDLĐ có thể xây dựng chương trình hưu trí và thực hiện đóng góp vào quỹ hưu trí cho NLĐ của doanh nghiệp mình theo phương thức quy định tại Nghị định này. Quy trình tham gia đóng góp như sau: NSDLĐ thông báo cho NLĐ về chương trình hưu trí; NSDLĐ ký thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về việc tham gia chương trình hưu trí theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (bao gồm: Tên chương trình hưu trí NLĐ lựa chọn tham gia; Nội dung cơ bản của chương trình; Thời gian bắt đầu tham gia; Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của NSDLĐ, NLĐ; Quyền và nghĩa vụ của NLĐ, NSDLĐ, Việc ngừng hoặc tạm ngừng tham gia…); NSDLĐ ký hợp đồng tham gia chương trình hưu trí với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí; Chuyển tiền đóng góp).

Khi tham gia đóng góp trực tiếp, NLĐ, cá nhân tự lựa chọn chương trình hưu trí và phương thức đóng góp, thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo mẫu hợp đồng quy định tại Nghị định này, chuyển tiền đóng góp vào quỹ theo các điều khoản tại hợp đồng. 

Khoản đóng góp này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Đọc thêm