Cơ cấu tổ chức của cơ quan tư pháp địa phương sẽ có nhiều thay đổi?

(PLO) - Qua gần 4 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014 hướng dẫn việc thành lập các phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp đã góp phần thống nhất về đầu mối quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc phối hợp, liên hệ công tác. Tuy nhiên, bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu phải kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương.
Cán bộ tư pháp địa phương. (Ảnh minh họa)
Cán bộ tư pháp địa phương. (Ảnh minh họa)

Không đồng đều trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Phòng chuyên môn thuộc Sở 

Theo quy định của Thông tư liên tịch số 23, cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp (trừ Sở Tư pháp các thành phố trực thuộc Trung ương) được hướng dẫn kiện toàn thống nhất gồm có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 11/2017, có 3 Sở Tư pháp được kiện toàn gồm 4 Phòng; 36 Sở được kiện toàn gồm 5 Phòng (đã thực hiện chuyển giao Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính sang Văn phòng UBND tỉnh); 19 Sở được kiện toàn gồm 6 Phòng; 3 Sở được kiện toàn gồm 7 Phòng; 2 Sở được kiện toàn gồm 11 Phòng. 

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp theo quy định của Thông tư liên tịch số 23 đang bộc lộ những bất cập do biên chế hành chính được giao cho Sở Tư pháp hiện nay còn khá hạn chế. Tình trạng các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tư pháp chỉ bố trí được từ 2-3 biên chế/Phòng diễn ra khá phổ biến. Thực trạng này dẫn đến những hạn chế, bất cập nhất định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các Sở Tư pháp. 

Đối với Phòng Tư pháp, Thông tư liên tịch số 23 quy định cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp gồm có Trưởng phòng, không quá 3 Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Tư pháp nhận thấy, hiện nay trung bình mỗi Phòng Tư pháp trên cả nước có 4,6 công chức/Phòng. Việc thực hiện cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp theo quy định của Thông tư liên tịch số 23 trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế hiện nay về cơ bản là khó khả thi, đòi hỏi cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Đề xuất hướng dẫn kiện toàn cơ cấu tổ chức của các Sở Tư pháp

Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP dự kiến quy định cơ cấu tổ chức của Sở gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; Chi cục và các tổ chức tương đương; đơn vị sự nghiệp công lập. Để hướng dẫn kiện toàn cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các Sở Tư pháp, ngoài phương án giữ nguyên quy định về cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp như hiện nay (không bao gồm Phòng kiểm soát thủ tục hành chính), Vụ Tổ chức cán bộ còn đề xuất phương án quy định số lượng các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Tư pháp gắn với biên chế được giao cho Sở Tư pháp và tiêu chí thành lập Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở theo nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 24. Với phương án này, tuy phải sắp xếp lại cấp phòng đối với một số Sở Tư pháp nhưng bảo đảm phù hợp với tiêu chí thành lập Phòng theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 24.

Cụ thể, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội, TP HCM), Sở Tư pháp được thành lập tối đa 8 cấp phòng, trong đó có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 6 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I (thành phố trực thuộc trung ương), Sở Tư pháp được thành lập tối đa 7 cấp phòng thì trong đó có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 5 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại II, Sở Tư pháp được thành lập tối đa 6 cấp phòng, trong đó có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 4 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại III, Sở Tư pháp được thành lập tối đa 5 cấp phòng, trong đó có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và 3 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ.

Trường hợp Sở Tư pháp không đủ điều kiện thành lập đủ số lượng phòng như trên thì thành lập số lượng và tên phòng như số lượng và tên phòng của Sở thuộc tỉnh loại thấp hơn. Trường hợp Sở Tư pháp TP Hà Nội và TP HCM đủ điều kiện thành lập trên 6 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét việc thành lập Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Sở. Trường hợp Sở Tư pháp các thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) thành lập Phòng Lý lịch tư pháp dẫn đến việc không thành lập được các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập tổ chức của Sở Tư pháp, phải thống nhất với Bộ Tư pháp trước khi quyết định. 

Về Phòng Tư pháp, theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 37/2014/NĐ-CP, đây là một trong những cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất tại UBND cấp huyện. Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất cơ cấu tổ chức của Phòng Tư pháp có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các công chức khác. Số lượng phó trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm