“Đại chiến” Vinasun - Grab: Chuyên gia pháp lý nói gì?

(PLO) - Nhiều lần hoãn xét xử, hoãn tuyên án, đến ngày 29/10 vừa qua, TAND TP HCM vẫn chưa thể ra phán quyết cuối cùng cho vụ “Vinasun kiện đòi Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Cuộc chiến pháp lý diễn ra căng thẳng cả sau khi vụ án tạm dừng lại chờ thu thập và bổ sung thêm hồ sơ. Nhằm mang lại nhiều góc nhìn, khía cạnh khách quan hơn về vụ kiện, Báo PLVN có cuộc trao đổi với một số luật sư ngoài cuộc, không tư vấn, bảo vệ cho bên nào.
“Đại chiến” Vinasun-Grab.
“Đại chiến” Vinasun-Grab.

Vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu

Theo hồ sơ, ngày 3/5/2017, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng việc hoạt động của Công ty TNHH Grab (Grab) gây ra thiệt hại cho mình nên tiến hành khởi kiện đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng. Sau đó, Vinasun tiếp tục bổ sung yêu cầu tòa định danh Grab là “doanh nghiệp vận tải”.

Theo Luật sư (LS) Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM): “Đây là vụ kiện có một không hai ở Việt Nam. Về pháp lý sẽ có nhiều tình tiết thú vị và thể hiện sự chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tôi rất quan tâm và theo dõi sát vụ án. Theo tôi, Vinasun có khởi kiện bổ sung về việc định danh Grab là doanh nghiệp vận tải đã vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Tòa chấp nhận thụ lý nhưng có thể sẽ không xem xét, không chấp nhận vì như đã nói, yêu cầu này vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu”.

Ngoài ra, LS Trí cho rằng việc định danh Grab là doanh nghiệp vận tải không thuộc thẩm quyền của tòa. Grab có phải là doanh nghiệp vận tải hay không là do Bộ Giao thông Vận tải quyết định dựa trên các căn cứ pháp luật. “Tôi cho rằng việc Vinasun yêu cầu tòa định danh Grab là doanh nghiệp vận tải chỉ là một động thái tạo ra hiệu ứng truyền thông”, LS Trí nhận định.

Vấn đề chính trong vụ án là số tiền 41,2 tỷ đồng thiệt hại mà Vinasun cho rằng do Grab gây ra. LS Trí nói: “Vinasun muốn Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải chứng minh các yếu tố sau: Hành vi trái pháp luật, hậu quả và mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả, có thiệt hại thực tế, Grab có lỗi.

Thứ nhất, về hành vi, Grab hoạt động có giấy phép, theo đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải, nghĩa là hoạt động không trái luật, không bị luật cấm. Như vậy, Vinasun phải làm sao chứng minh được trong quá trình hoạt động Grab có hành vi gây ra thiệt hại cho họ.

Thứ hai, Vinasun là công ty hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên thiệt hại 41,2 tỷ đồng có phải là thiệt hại duy nhất từ hoạt động vận tải hay là thiệt hại chung toàn công ty. Doanh thu, lợi nhuận từ kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, quản trị doanh nghiệp, chính sách pháp luật. Thiệt hại ở đây được hiểu là thiệt hại thực tế cần chứng minh rõ.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Kiều Hưng nhận định: “Cơ quan giám định sẽ không thể chứng minh thiệt hại của Vinasun là do Grab gây ra. Tôi cho rằng tòa sẽ bác đơn khởi kiện của Vinasun. Vinasun có thể khởi kiện bằng một vụ án khác theo Luật Cạnh tranh. Thiệt hại của Vinansun thực chất là khoản sụt giảm doanh thu, lợi nhuận do nhiều yếu tố gây nên. Mô hình kinh doanh của Grab không phải là bất hợp pháp nên không có hành vi nào trái luật. Vì thế không cần xem xét có hay không mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả”.

“Grab hoạt động giống như doanh nghiệp vận tải”

LS Trí nói rằng, dù Vinasun khó chứng minh được Grab gây ra thiệt hại cho mình và tòa có thể không xem xét nội dung định danh Grab là doanh nghiệp vận tải. “Với cách hoạt động, điều hành của Grab, tôi thấy họ giống một doanh nghiệp vận tải dù trên danh nghĩa họ không thừa nhận. Grab dù không có lượng xe cố định, thuộc sở hữu riêng của họ nhưng họ hoạt động như một doanh nghiệp vận tải bao gồm: Cung cấp dịch vụ vận chuyển (hành khách và hàng hóa), quyết định chính sách giá, điều động xe và tài xế khi có khách hàng, thưởng phạt tài xế. Grab là một doanh nghiệp vận tải hoạt động điều hành dựa trên nền tảng công nghệ, không gian mạng”, LS Trí nói.

Vị luật sư phân tích tiếp, các vấn đề Vinasun nêu ra như số tiền thuế của Vinasun rất lớn, trong khi Grab chỉ nộp gần 10 tỷ đồng. Điều này Vinasun phân trần, thấy bất công là đúng. Bởi lẽ, hoạt động như nhau nhưng bên đóng thuế nhiều, bên đóng thuế ít là không công bằng.

“Điều đó cho thấy các chính sách pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, nhất là Quyết định 24/QĐ-BGTVT thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải hành khách theo hợp đồng mà người ta hay gọi là đề án thí điểm Grab, Uber. Thực tế cho thấy đề án này chưa chặt chẽ, nhất là về mặt thuế, các chính sách so với taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống như Vinasun phải có lượng xe sở hữu nghĩa là mất tiền bảo trì, duy trì, đóng thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội… thì Grab không phải thực hiện nhiều như thế”.

“Vụ án giữa Vinasun và Grab xảy ra đúng thời gian Bộ Giao thông Vận tải đang trình dự thảo sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Nên quyết định 24 cần phải được sửa đổi sao cho phù hợp giữa taxi truyền thống và các ứng dụng Grab, Uber…”, LS Trí nói.

Ngoài tính pháp lý, chính sách pháp luật chưa phù hợp, LS Trí nói rằng việc Vinasun kiện Grab và đưa ra con số 41,2 tỷ đồng có thể có ý đồ khác. “Với nhìn nhận của cá nhân, tôi đặt câu hỏi tại sao lại là 41,2 tỷ đồng mà không phải nhiều hơn hoặc ít hơn. Đối với một doanh nghiệp lớn như Vinasun, 41,2 tỷ đồng không hề lớn nhưng tại sao họ lại theo đuổi vụ kiện kéo dài gần 2 năm và tốn nhiều tiền bạc, công sức.

Lý do “công bằng, thượng tôn pháp luật” tôi không dám nói đến. Nhưng tôi thấy Vinasun thu lại lợi ích rất lớn từ hiệu ứng truyền thông. Bằng chứng là cổ phiếu của họ đang có xu hướng tăng. Nhà đầu tư cần thương hiệu hơn những vấn đề khác. Theo tôi, Vinasun đã đạt được mục đích của họ”, LS Trí phân tích.

LS Trí nói rằng lợi ích mà Vinasun đạt được chỉ là hiệu ứng tức thời, còn về lâu dài thì có thể “căng”. “Tuy nhiên, những phân tích, nhận định trên là của cá nhân tôi, chưa thể nói trước điều gì vì vụ án còn đang quá trình xét xử. Đây là một vụ án điển hình trong lịch sử tố tụng dân sự của Tư pháp Việt Nam”, LS Trí chia sẻ. 

Ngày 22/11 sẽ mở lại phiên tòa

Chiều 29/10, sau 5 ngày nghị án, TAND TP HCM mở lại phiên xét xử vụ tranh chấp giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

Trở lại phần xét hỏi, chủ tọa hỏi đại diện Vinasun về con số thiệt hại mà nguyên đơn khởi kiện. Vinasun cho rằng từ  năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, có 2.777 xe của Vinasun phải nằm bãi, điều này do Grab gây nên.

Sau khi hội ý, HĐXX xét nhận thấy cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định mới có cơ sở phân định chính xác. Vì vậy, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng không quá 1 tháng. Phiên tòa tiếp theo dự kiến mở vào ngày 22/11.

Đọc thêm