Khi nào được bắt người không cần lệnh?

(PLO) - Sau một vụ ẩu đả với đám trai làng khác trong đêm hội, em trai tôi và hai người bạn nữa bị công an bắt đưa về đồn ngay trong đêm. Em tôi cho biết việc bắt giữ không hề có lệnh nhưng sau đó bên công an có lập thành biên bản. Xin hỏi công an được phép bắt người khi nào? Có khi nào công an được quyền bắt người mà không cần lệnh hay không? (Chị Hà Thương, 29 tuổi ở Hà Tĩnh) 
Bắt khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang không cần có lệnh bắt (hình minh họa)
Bắt khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang không cần có lệnh bắt (hình minh họa)

Trả lời: Theo các điều 111, 112, 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, những trường hợp công an được phép bắt người bao gồm:

- Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

- Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

- Bắt người phạm tội quả tang

- Bắt người phạm tội đang bị truy nã

Cụ thể: bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử để tạm giam phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp là bắt người khi người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc sau khi thực hiện tội phạm người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Bắt người phạm tội quả tang là bắt người khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Bắt người phạm tội đang bị truy nã là bắt người phạm tội đang lẩn trốn nếu đã có lệnh truy nã của cơ quan điều tra.

Đối với người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, không chỉ công an mà người dân cũng có quyền bắt người. Khi bắt, người dân có quyền tước vũ khí, hung khí, giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì không quy định phải có lệnh. 

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chỉ những trường hợp bắt bị can, bị cáo; bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì công an phải có lệnh bắt mới được phép bắt người. Lệnh bắt người phải có: ngày, tháng, năm; họ tên, chức vụ người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt; chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Khi thực hiện lệnh bắt, người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Phải có đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng chứng kiến.

Khác với lệnh bắt bị can, bị cáo, lệnh bắt khẩn cấp không cần có Viện kiểm sát phê chuẩn. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp sau đó phải được báo ngay cho Viện kiểm sát bằng văn bản để xét phê chuẩn.

Trong thời hạn 12 giờ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt. Việc bắt người không được thực hiện vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.

Theo quy định tại các điều 114, 115 của Bộ Luật Tố tụng hình sự, người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Đối chiếu theo các quy định trên thấy rằng, việc em trai chị bị bắt giữ thuộc trường hợp phạm tội quả tang nên không có lệnh bắt mà chỉ được lập biên bản là đúng pháp luật.  

Đọc thêm