Quy định về đăng ký hành nghề trong Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Không phù hợp với người làm trong cơ sở y tế tư nhân?

(PLVN) - Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định về đăng ký hành nghề dường như được thiết kế để quản lý trường hợp các bác sĩ bệnh viện công ra ngoài mở phòng khám hoặc làm việc cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác, nhưng không thực sự phù hợp với những người làm việc trong cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là về quản lý thời gian làm việc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chưa rõ khái niệm “ngoài giờ”

Trong Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế chủ trì xây dựng, các quy định về đăng ký hành nghề từ Điều 33 đến Điều 35 được lấy từ các quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Theo các chuyên gia, nhiều quy định trong số này dường như được thiết kế để quản lý trường hợp các bác sĩ bệnh viện công ra ngoài mở phòng khám hoặc làm việc cho các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập khác. Tuy nhiên, các quy định này lại không thực sự phù hợp với những người làm việc trong cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là về quản lý thời gian làm việc.

Ví dụ, khoản 4 Điều 33 quy định: “Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ”. Không rõ khái niệm ngoài giờ này được xác định thế nào. Đối với các bệnh viện công thì giờ làm việc được quy định tương đối rõ ràng nên có thể xác định được khái niệm trong giờ, ngoài giờ. Nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư thì thời giờ lao động theo hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận.

Tương tự, khái niệm “ngoài giờ” trong khoản 6 Điều 33 cũng quy định: “Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác” cũng không được làm rõ.

Khoản 7 Điều 33 quy định: “Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký”.

Đi kèm với đó, Điều 34 yêu cầu nội dung đăng ký hành nghề bao gồm cả thời gian hành nghề (giờ trong ngày, ngày trong tuần, bảo đảm thời gian đi lại). “Việc cơ quan Nhà nước giám sát chi tiết đến thời gian làm việc, thời gian đi lại hợp lý của người hành nghề và yêu cầu phải đăng ký trước không hợp lý và khó khả thi” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp góp ý dự thảo này nhận định.

 Các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi: Không rõ khi người hành nghề không thực hiện đúng thời gian làm việc đã đăng ký thì có chịu chế tài gì không? Quy định thời gian làm việc trong Bộ luật Lao động được hiểu là thời gian làm việc ngoài thời gian làm việc chính của một chủ sử dụng lao động, chứ không áp dụng cho trường hợp có nhiều hợp đồng lao động. Ví dụ, một người ký hợp đồng lao động 4 giờ/ngày cho một chủ sử dụng lao động thì nếu làm việc từ giờ thứ 5 trở đi thì được coi là làm ngoài giờ. Nếu người đó ký thêm hợp đồng lao động khác cũng 4 giờ/ngày với một chủ sử dụng lao động khác thì không thể coi đây là thời gian làm thêm giờ. 

Có đạt mục tiêu quản lý?

Việc quy định về thời gian làm việc của bác sĩ được suy đoán là nhằm một số mục đích. Thứ nhất, bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, tránh sai sót khi người hành nghề phải làm việc nhiều giờ liên tục. Thứ hai, ngăn ngừa tình trạng một bác sĩ có uy tín đăng ký hành nghề ở nhiều nơi nhưng thực chất không làm việc ở đó, vừa lừa dối khách hàng, vừa giúp cơ sở khám chữa bệnh dễ dàng có được giấy phép hoạt động. Thứ ba, tránh tình trạng bác sĩ tại bệnh viện công sử dụng thời gian đáng ra phải làm việc cho bệnh viện công đó lại làm việc cho phòng khám riêng.

Theo các chuyên gia, đối với mục tiêu thứ nhất thì quy định giờ làm việc như dự thảo không giúp đạt được mục tiêu này. Cơ quan soạn thảo có thể tham khảo quy định khác trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định thời gian lái xe liên tục 4 tiếng và thời gian lái xe tối đa mỗi ngày không quá 10 tiếng. Quy định này nhằm bảo đảm sức khoẻ, sự tỉnh táo của lái xe. Tuy nhiên, hiện nay đối với các xe không lắp thiết bị giám sát hành trình thì hầu như không có cách nào kiểm soát được sự tuân thủ. Chỉ khi lái xe gây tai nạn thì thời gian lái xe mới được điều tra, xác nhận và làm căn cứ xử lý vụ việc. 

Trong thực tiễn nghề y, vẫn có trường hợp các bác sĩ buộc phải làm việc kéo dài như khi gặp ca phẫu thuật kéo dài hoặc bệnh nhân cấp cứu liên tục do tai nạn, sự cố. “Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định quá chi tiết và cứng nhắc về thời gian làm việc của người hành nghề, mà chỉ coi đây là một căn cứ để xử lý trách nhiệm khi có sự cố y khoa” – VCCI đề xuất.

Đối với mục tiêu thứ hai thì hiện tại pháp luật đã có quy định về vị trí “người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh”, đồng thời không cho phép một cá nhân làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Các chuyên gia đề xuất nghiên cứu quy định gọi vị trí này là “bác sĩ trưởng” của cơ sở khám chữa bệnh và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai tên và mã số chứng chỉ hành nghề của bác sĩ trưởng trên biển hiệu của cơ sở. Quy định này sẽ giúp các bệnh nhân có được thông tin rõ ràng hơn trước khi lựa chọn đơn vị khám chữa bệnh.

Còn mục đích thứ ba thì chỉ nên áp dụng đối với các bệnh viện công, còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thì các cơ sở này sẽ tự chịu trách nhiệm quản lý người lao động của mình, không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

Đọc thêm