Quyền lợi người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phá sản

(PLO) - 1. Hỏi: Khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) mất khả năng chi trả hoặc phá sản, người được BHTG vừa có khoản tiền gửi vừa có khoản nợ tại tổ chức đó được trả tiền bảo hiểm như thế nào? 
Khách hàng gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân  Mộc Hóa
Khách hàng gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân Mộc Hóa

- Khoản 3 Điều 25 Luật BHTG quy định: “Trường hợp người được BHTG có khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó”.

Như vậy, số tiền bảo hiểm được chi trả đối với mỗi cá nhân được BHTG được xác định như sau:

(1) Trường hợp người được BHTG có tổng các khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG nhỏ hơn tổng số tiền gửi của họ tại đó thì số tiền bảo hiểm được chi trả là số tiền còn lại sau khi đối trừ tổng các khoản nợ (gốc và lãi) đến thời điểm chi trả nhưng tối đa không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.

(2) Trường hợp người được BHTG có tổng các khoản nợ (gốc và lãi) tại tổ chức tham gia BHTG lớn hơn số tiền gửi thì BHTGVN không có nghĩa vụ chi trả cho trường hợp này.

2. Hỏi: Khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả hoặc phá sản, số tiền bảo hiểm được trả cho khoản tiền gửi tiết kiệm của người thụ hưởng chưa thành niên và người gửi tiền là cha/mẹ/người giám hộ được xác định như thế nào?

- Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.

Điều 55, Điều 56 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người được giám hộ.

Như vậy, người chưa thành niên là cá nhân có năng lực pháp luật dân sự độc lập và bình đẳng. Người giám hộ là cha/mẹ đại diện cho người chưa thành niên trong các giao dịch dân sự và quản lý tài sản của người đó. Số tiền bảo hiểm được trả cho cá nhân người chưa thành niên (người thụ hưởng) được xác định độc lập theo quy định của pháp luật về BHTG, tối đa không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành và không liên quan đến việc xác định số tiền bảo hiểm trả cho cha/mẹ/người giám hộ của cá nhân đó.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi  tới quỹ tín dụng nhân dân

Vừa qua, Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tại TP HCM tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG tới hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đây là dịp để BHTGVN chia sẻ thông tin chính sách BHTG và hoạt động đến các QTDND trên địa bàn tỉnh với mong muốn  đồng hành với các tổ chức tham gia BHTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, vì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

BHTGVN đã giới thiệu về hoạt động và đánh giá việc triển khai các văn bản, quy định, hướng dẫn liên quan, đặc biệt là Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Các đại biểu tham dự sự kiện đã thảo luận một số nội dung về hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt theo Thông tư 01/2018/TT-NHNN của NHNN ngày 26/01/2018 và Quyết định  593/QĐ-BHTG của BHTGVN ngày 07/09/2018. 

Đại diện lãnh đạo BHTGVN khẳng định, thông qua các sự kiện tuyên truyền, BHTGVN đã lắng nghe những nguyện vọng, ý kiến từ cơ sở, từ đó tổng hợp, đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời nhằm triển khai có hiệu quả chính sách BHTG, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động BHTG tại Việt Nam.

Đọc thêm