Sớm sửa đổi điều kiện phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự để được đề nghị đặc xá

(PLO) - Một trong những điều kiện để được đề nghị đặc xá theo Luật Đặc xá năm 2007 có quan hệ chặt chẽ với công tác thi hành án dân sự (THADS) chính là điều kiện “phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, án phí và các nghĩa vụ dân sự khác”. Dự kiến tới đây, điều kiện này sẽ được sửa đổi và đang được kỳ vọng là tạo bước tiến lớn đối với hệ thống THADS.
Phó Thủ tướng Thường trực  Trương Hòa Bình trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân.

7 đợt đặc xá, thu được hàng nghìn tỷ đồng thi hành nghĩa vụ dân sự

Quy định về các điều kiện được đề nghị đặc xá, trong đó có quy định về điều kiện phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự là hết sức phù hợp, vừa thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ kỷ cương, kỷ luật, mọi cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các quy định nếu muốn đủ điều kiện để đề nghị đặc xá. Điều kiện phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự còn đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức không bị xâm phạm, bảo đảm sự công bằng giữa các phạm nhân được đề nghị đặc xá và các phạm nhân không được đề nghị đặc xá, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho công tác THADS nói chung cũng như thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự nói riêng.

Theo điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Đặc xá năm 2007, một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá là: “Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác”. Như vậy, có thể hiểu rằng, đây là một điều kiện hết sức quan trọng và cần thiết để phạm nhân được đề nghị đặc xá. 

Thực tiễn 07 đợt đặc xá từ năm 2009 đến 2016 (năm 2017 không có đặc xá), Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.974 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Ngoài ra, trong năm 2014, 2015 và 2016, Chủ tịch nước còn quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 01 người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Trong 7 đợt đặc xá đó, theo số liệu của Bộ Công an thì tổng số tiền mà những phạm nhân được đề nghị đặc xá và thân nhân của họ nộp thay để thực hiện các nghĩa vụ dân sự như án phí, tiền phạt, truy thu, bồi thường dân sự là hơn 1.059 tỷ đồng và 157.036 USD. Điều đó cho thấy phần lớn các phạm nhân đã ý thức được việc tự nguyện chấp hành các nghĩa vụ dân sự bên cạnh việc chấp hành tốt các quy định của cơ sở giam giữ là hết sức quan trọng, đóng vai trò quyết định cho việc có đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá hay không. 

Chấp hành viên khó thuyết phục phạm nhân tự nguyện thi hành

TS Nguyễn Thanh Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) chia sẻ, công tác thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự nhiều năm được xem là một trong những nhiệm vụ hết sức khó khăn của hệ thống THADS. Kết quả thi hành loại việc này không được cao nếu so sánh với các loại việc khác như thi hành bản án, quyết định về kinh doanh thương mại, dân sự, lao động, hôn nhân – gia đình,… do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau khi Luật Đặc xá năm 2007 có hiệu lực, một trong những điều kiện để được đề nghị đặc xá là phải chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự, bao gồm cả án phí, tiền phạt, truy thu và bồi thường dân sự. 

Vì vậy, trong quá trình tống đạt các quyết định về THADS cũng như xác minh điều kiện thi hành án của phạm nhân, cơ quan THADS thường lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS nói chung và chính sách về đặc xá nói riêng cho phạm nhân được biết, đồng thời thuyết phục phạm nhân tự nguyện thi hành các nghĩa vụ dân sự để đủ điều kiện đề nghị đặc xá, hưởng sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Một bộ phận phạm nhân và thân nhân của họ đã nhận thức được và tự nguyện thi hành các nghĩa vụ dân sự.

Nhưng ông Thủy chỉ rõ tình trạng một số phạm nhân không tự nguyện thi hành với lý do trong Luật Đặc xá năm 2007 chỉ quy định một số loại tội phạm nhất định mới phải chấp hành xong nghĩa vụ dân sự để đủ điều kiện đề nghị đặc xá (bao gồm tội phạm tham nhũng và các loại tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định). Do đó, quy định về điều kiện đề nghị đặc xá trong Luật Đặc xá năm 2007 lại là trở ngại cho các chấp hành viên cơ quan THADS trong quá trình tác nghiệp, nhất là các phạm nhân có nghĩa vụ dân sự phải thi hành lớn (mà không phải tội phạm tham nhũng) sẽ không tự nguyện thi hành án nếu không mang lại lợi ích gì cho họ sau khi hoàn thành các nghĩa vụ dân sự. 

“Mặc dù trong các quyết định về đặc xá sau này của Chủ tịch nước đều quy định điều kiện về chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự được áp dụng cho mọi loại tội danh, tuy nhiên vì trong Luật Đặc xá năm 2007 lại quy định theo hướng mở, khiến cho chấp hành viên trong quá trình thực thi công vụ rất khó để thuyết phục, vận động phạm nhân tự nguyện thi hành” – ông Thủy phân tích.

Công tác vận động, thuyết phục phạm nhân tự nguyện thi hành các nghĩa vụ dân sự trong các vụ án hình sự về kinh tế - tham nhũng lớn càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi chưa có sự thay đổi về chính sách pháp luật. Các vụ án này có đặc thù là khoản phải thi hành án lớn, tài sản kê biên trong các giai đoạn tố tụng (như điều tra, truy tố và xét xử) thường không đủ để thi hành các nghĩa vụ theo án tuyên. Đáng chú ý, dù phạm nhân là người đã từng có chức vụ trong bộ máy nhà nước hoặc các cơ quan của đảng, có nhiều kinh nghiệm và kiến thức, song thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp chống đối cơ quan THADS bằng nhiều hình thức khác nhau và không tự nguyện thi hành án. 

Sẽ có bước tiến lớn đối với hệ thống THADS

Quá trình triển khai thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, nhận thấy rõ có nhiều điểm bất cập, cần thiết phải hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và xây dựng dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trong đó, có chỉnh sửa quy định về điều kiện đề nghị đặc xá có liên quan đến việc chấp hành xong các nghĩa vụ dân sự trong bản án. Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay, vừa bảo đảm quyền lợi cho các bên, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan THADS trong quá trình tác nghiệp. Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi theo hướng tất cả các loại tội phạm đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác mới đủ điều kiện để đề nghị đặc xá. 

Khi đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội thì còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định trên. Có quan điểm cho rằng cần phải giữ nguyên quy định như hiện tại, tức là chỉ có một số loại tội phạm nhất định, bao gồm tội phạm tham nhũng và các loại tội phạm do Chủ tịch nước xem xét, quyết định mới phải chấp hành xong các hình phạt bổ sung. Ngược lại, có quan điểm cho rằng cần thiết phải sửa đổi theo hướng mọi loại tội phạm đều phải chấp hành xong các hình phạt bổ sung. 

Còn theo ông Thủy, quy định này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước tiến lớn đối với hệ thống THADS trong việc tổ chức thi hành phần dân sự trong các vụ án hình sự, bảo đảm tính công bằng đối với các loại tội phạm, mang tính cổ vũ, động viên, khích lệ phạm nhân tự nguyện thi hành án để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như nhân dân, nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách này trước khi chỉnh sửa và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi).

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Tuy nhiên, đại diện Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) đề nghị, để bảo đảm chặt chẽ hơn cần cân nhắc bổ sung các trường hợp được Chủ tịch nước xem xét miễn chấp hành như hoàn cảnh gia đình khó khăn; bản thân là người lao động duy nhất; là thương binh, bệnh binh…

Đọc thêm