Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính: Ai có thẩm quyền?

(PLO) - Góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần được đánh giá một cách thận trọng khi đề xuất quy định liên quan đến việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những giải pháp đề xuất để giải quyết vướng mắc liên quan đến triển khai Điều 64 Luật xử phạt vi phạm hành chính là mở rộng phạm vi chủ thể có thẩm quyền được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, không chỉ “cơ quan người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính” được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường như quy định hiện nay tại khoản 1 Điều 64 Luật xử phạt vi phạm hành chính.

Về vấn đề này, VCCI lưu ý, việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính một mặt có thể giúp tăng hiệu quả công tác phát hiện, nhưng mặt khác lại có tác động đáng kể đến các quyền của cá nhân, tổ chức. Vì vậy đề xuất chính sách này cần được đánh giá một cách thận trọng, ít nhất ở các vấn đề cơ bản như: Các chủ thể nào được phép sử dụng ngoài các cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Nguy cơ quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm ra sao, sẽ được hạn chế bằng cách nào? Phạm vi được quyền sử dụng là gì?....

Vì thế, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các đánh giá về đề xuất mở rộng chủ thể sử dụng phương tiện kĩ thuật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.

Một nội dung khác mà VCCI quan tâm góp ý là quy định liên quan đến thủ tục giải trình tại Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo Tờ trình của Ban soạn thảo, một trong những nguyên nhân khiến cho thủ tục giải trình tại Luật chưa được thực hiện một cách nghiêm túc là “thiếu các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Điều 61 Luật hiện hành có quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, nhất là trường hợp giải trình trực tiếp. Không rõ Điều 61 cũng như các quy định tại Luật hiện hành thiếu quy định nào liên quan đến trình tự, thủ tục, và việc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Do vậy, nội dung về vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục giải trình ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính cần được bổ sung vào dự thảo để đảm bảo xác định chính xác vướng mắc trên thực tế.

Theo chiều ngược lại, dù Điều 61 Luật hiện hành có quy định về thủ tục giải trình, nhưng lại không quy định rõ về nội dung giải trình, căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải trình và việc giải trình này có tác động như thế nào đến việc xác định mức phạt trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung những vấn đề này để phân tích và bổ sung vào chính sách sửa đổi. 

Đọc thêm