Sửa đổi quy định liên quan đến bản sao trong lĩnh vực văn hóa: Cải cách chưa triệt để?

(PLO) - Đó là nhận định của các chuyên gia về nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) trong việc đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực trong lĩnh vực văn hóa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ VHTT&DL đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BVHTTDL, Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL, Thông tư số 04/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư số 06/2015/TT-BVHTTDL nhằm thực hiện Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực. Quyết định 199 được ban hành nhằm mục đích mở rộng các hình thức bản sao cho phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính, theo đó quy định người yêu cầu có thể lựa chọn nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện).

Dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên việc rà soát hàng loạt thủ tục hành chính, trong đó, sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL hướng dẫn hoạt động giám định quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 1). Về hồ sơ của thủ tục cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định tại khoản 1 Điều 11, thay vì phải cung cấp bản sao có chứng thực đối với Giấy đăng ký hoạt động hoặc quyết định thành lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp như quy định tại Thông tư 15, Dự thảo sửa đổi theo hướng chỉ cần cung cấp “bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp); nộp bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực (trường hợp nộp hồ sơ qua bưu điện)”.

Theo các chuyên gia, quy định này của Dự thảo đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, cải cách này dường như chưa thật triệt để, bởi về mặt nguyên tắc thì Giấy đăng ký hoạt động hoặc Quyết định thành lập là các loại Giấy tờ có thể kiểm chứng tính xác thực giữa các cơ quan nhà nước với nhau, do đó không cần thiết phải kiểm chứng bản sao.

Bên cạnh đó, trong rất nhiều thủ tục hành chính có yêu cầu tương tự (yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh thành lập tổ chức như giấy đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động hoặc quyết định thành lập), Bộ chỉ yêu cầu cung cấp bản sao các giấy tờ này (ví dụ: Hồ sơ cấp giấy phép Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Điều 20 Nghị định 181; Hồ sơ xin giấy phép xây dựng công trình quảng cáo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Quảng cáo; …). Trong trường hợp cơ quan nhà nước muốn kiểm tra thông tin, có thể tìm kiếm trong hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước khác (ví dụ: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Vì vậy, nhằm đảm bảo tính cải cách thủ tục hành chính triệt để, trong văn bản gửi Bộ VHTT&DL góp ý cho dự thảo Thông tư nói trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt – đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi giấy tờ này theo hướng chỉ cần cung cấp “bản sao” khi thực hiện thủ tục hành chính gián tiếp hoặc trực tiếp.

Còn về thủ tục kiểm tra nghiệp vụ giám định (Điều 8 Thông tư 15), dự thảo chỉ sửa đổi hồ sơ mà không sửa về trình tự, thủ tục đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định. Trong khi đó, thủ tục này có một số giai đoạn chưa thực sự rõ ràng.Ví dụ: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 15 thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo về việc “chấp nhận hồ sơ”, sau đó sẽ thành lập hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định và thông báo kết quả kiểm tra nghiệp vụ giám định. Quy định này không nêu rõ: trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm nộp hồ sơ hợp lệ/cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hồ sơ, hoạt động kiểm tra nghiệp vụ sẽ được tổ chức? Trong thời gian bao lâu kể từ thời điểm tổ chức kiểm tra, sẽ có kết quả kiểm tra? Đây cũng là nội dung cần được làm rõ trong Thông tư sửa đổi để đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục kiểm tra nghiệp vụ giám định.

Đọc thêm