Sửa đổi quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Siết quy định để tránh rủi ro

(PLO) - Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, trong đó, đề xuất siết nhiều thủ tục “cứng” để đảm bảo dịch vụ nhạy cảm này “trong khuôn khổ”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần tăng vai trò ngành công an 

Theo nhận định của Bộ Tài chính, Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ này nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự, ví dụ sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát của các Cơ quan chức năng còn hạn chế do các doanh nghiệp thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định, hoạt động kinh doanh không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự... Nguyên nhân chính của tình trạng trên được đánh giá là do các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, thực tiễn trên đòi hỏi phải có quy định rõ ràng hơn để kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an nhân dân trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này do chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng, phương tiện và nghiệp vụ để đưa hoạt động này vào nề nếp.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã được ban hành như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014..., trong đó nguyên tắc quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng thay đổi theo hướng tăng thêm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, giảm mức độ can thiệp của Nhà nước.  

Siết điều kiện kinh doanh

Dự thảo Nghị định sửa đổi đang được xây dựng kế thừa các quy định về điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, như các điều kiện về vốn, về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra hậu quả do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, vì vậy cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Điều kiện để kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết để hạn chế ngay từ đầu, không cho tham gia vào hoạt động dịch vụ đòi nợ đối với những tổ chức, cá nhân không đủ năng lực để có thể tiến hành tốt loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo chiều hướng có lợi cho sự phát triển của xã hội; đồng thời đảm bảo trong quá trình hoạt động, các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ đòi nợ luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quy định điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm đảm bảo các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có chuyên môn, nghiệp vụ đòi nợ theo đúng quy định pháp luật, thực hiện đòi nợ chủ yếu bằng kỹ năng đàm phán, thương thuyết, hiểu và luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Bên cạnh đó, Dự thảo đề xuất bổ sung một số quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Căn cứ các quy định hiện hành đối với mội số ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như kinh doanh sổ xố, dịch vụ cầm đồ, kinh doanh casino...), nhằm quy định cụ thể, chặt chẽ các điều kiện, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về vốn, về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ...

Quy định trang phục để xã hội giám sát

Dự thảo cũng bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tự thiết kế trang phục, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh (nếu có); Người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh…).

Giải thích về quy định này, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các địa phương (TP HCM, TP Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An), thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu” để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ. 

Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh khá nhạy cảm, nên việc quy định về trang phục cho người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, qua đó hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối như nêu trên. Đồng thời, qua đó giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là ngành nghề hợp pháp, tạo yên tâm cho tổ chức, cá nhân khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục. Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Đọc thêm