Đừng 'chôn tiền' vào đất nền vì không biết những điều này

Thời gian vừa qua, tình trạng đất nền sốt ảo đã kéo theo nhiều dự án còn mập mờ pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn bán ra cho người mua, khiến nhiều người bị thiệt hại nặng. Để tránh rủi ro, người mua cần thận trọng hơn khi giao dịch đất nền.
Để tránh rủi ro, người mua cần thận trọng hơn khi giao dịch đất nền
Để tránh rủi ro, người mua cần thận trọng hơn khi giao dịch đất nền

Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi toạ đàm “Thị trường bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh sáng 14/9.

Theo đó, để đề những phòng rủi ro trong giao dịch nhà đất, luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho biết, khi mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay, nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt hại hết khi xảy ra tranh chấp.

Nếu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thông thường những trường hợp này lại không đủ điều kiện để giao dịch, chẳng hạn phát sinh vấn đề thừa kế. Một trong những thừa kế đó bán đi, thì người mua vào những trường hợp này dễ gặp tranh chấp và sẽ chịu phần thiệt.

Đặc biệt, theo luật sư Phúc, tình trạng mua bán đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô bán nền cũng ngày càng phổ biến. Trong trường hợp này, chủ đầu tư thường sẽ không thông qua trình tự quy định, mà tự phân lô bán. Những người mua đất nền trongtrường hợp này rất dễ gặp rủi ro khi làm thủ tục giấy tờ hoặc không thể làm được.

“Có những trường hợp dự án đất nền tạm gọi là chính thống, đúng thủ tục pháp luật nhưng do phân phối qua đơn vị môi giới và nhiều môi giới sử dụng chiêu trò. Chẳng hạn, môi giới bằng nhiều thủ thuật và móc nối với các bên để tự nhận là chủ đầu tư dự án, viết các hợp đồng mua bán nhưng thực tế người mua sẽ không thể ra sổ vì không phải hợp đồng được ký với nhà đầu tư thực thụ. Để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch, người mua cũng cần tìm hiểu kỹ những chủ đầu tư, sàn môi giới và tìm địa chỉ tin cậy, uy tín”, luật sư Phúc nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai nhận định giấy phép xây dựng là giấy thông hành dự án. Tùy dự án đầu tư, có thể là sản phẩm hình thành trong tương lai, dự án chỉ phân lô bán nền, hay dự án chỉ xây dựng kết cấu bên trên… Với dự án đất nền, mỗi dự án thì hạ tầng kỹ thuật phải được nghiệm thu để khi đưa vào sử dụng có thể kết nối theo quy hoạch được duyệt.

Mặt khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, khách hàng cần hết sức thận trọng với chiêu bán “bánh vẽ”. Trong đó, Thành phố mới Nhơn Trạch là điển hình. Nhiều nhà đầu tư thứ cấp và người mua đều thất vọng vì hàng chục năm qua, khu này vẫn bỏ hoang. Một bộ phận kinh doanh không tử tế khi tung tin về thành phố mới Nhơn Trạch khiến nhiều người lao đao, đó là hành vi không đúng đắn, không có trách nhiệm với người tiêu dùng.

“Vừa qua, Hiệp hội có nhận được đơn kêu cứu của khoảng 300 người dân mua hàng của hai công ty làm dự án ở Nhơn Trạch, Trảng Bom. Tuy nhiên, thủ đoạn của môi giới là giấu tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, sửa lại bản vẽ quy hoạch 1/500, thêm nhiều diện tích không có trong thiết kế, thay đổi giá bán căn hộ, dùng chim mồi...”, ông Châu cảnh báo.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, thị trường có tình trạng đầu cơ, thu gom lượng lớn sản phẩm đủ để chi phối thị trường ở dự án đó. Sau đó, làm giá theo ý mình, khống chế thị trường. Đại diện Hiệp hội cảnh báo cần có biện pháp chặt chẽ quản lý về mặt nhà nước để làm sao không xảy ra tình trạng đầu cơ lũng đoạn, có công cụ về tín dụng, về thuế suất thuế đầu cơ, hạn chế tình trạng này.

Đọc thêm