Mua nhà ở xã hội “chui”: Coi chừng “tiền mất, tật mang”

(PLO) - Nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) hiện rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít dẫn đến tình trạng nhiều người bất chấp rủi ro về pháp lý mua nhà theo kiểu “trao tay” , thậm chí bị lừa khi mua lại những căn hộ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Nhu cầu về nhà ở giá rẻ còn rất lớn
Nhu cầu về nhà ở giá rẻ còn rất lớn

10 người đăng ký, 2-3 người mua được

Điều 19 Nghị định 100 của Chính phủ về Phát triển và Quản lý NƠXH nêu rõ: Người mua, thuê mua NƠXH không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua; chỉ được phép bán lại hoặc cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, tình trạng mua - bán NƠXH chưa đủ điều kiện đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí công khai trên mạng internet. Người mua lại những căn hộ này theo kiểu “trao tay” đối diện với nhiều rủi ro về pháp lý, còn người bán trót lọt mỗi căn hộ có thể hưởng chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Không khó để tìm kiếm những mẩu tin rao bán, chuyển nhượng căn hộ NƠXH trên mạng internet. Từ những dự án chưa có nhà, đến những dự án mới bàn giao hay những căn hộ đã ở được 1-2 năm và đang được vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng.

Liên hệ với một người đăng tin rao bán căn hộ NƠXH Rice City, khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội, phóng viên được người này cho biết để mua được căn hộ ở đây thì người mua phải chịu giá chênh từ 250-350 triệu/căn. Tuy nhiên, số lượng căn bán ra rất ít vì chủ đầu tư đã giao nhà được hơn 1 năm.

Khi phóng viên hỏi về tính pháp lý khi sang tên đổi chủ của NƠXH thì người này cho biết: “Sẽ ra văn phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền. Hồ sơ gồm hợp đồng mua bán và đặt cọc, còn giấy tờ, sổ đỏ vẫn tên chủ cũ, khi nào đủ điều kiện sang tên thì 2 bên sang tên với nhau”.

Nhân viên này cũng thừa nhận, mua bán NƠXH theo kiểu “trao tay” rủi ro cao và người mua không được pháp luật bảo vệ. Bởi giấy tờ hay sổ đỏ đều mang tên chủ cũ, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị thu hồi nhà. Nếu có tranh chấp xảy ra, người bán lật lọng, đòi lại nhà, người mua sẽ phải chịu thiệt.

Anh Nguyễn Trọng Tuấn mua NƠXH Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội chỉ vì tin vào lời môi giới của bên thứ ba giờ đang đứng trước nguy cơ “tiền mất, tật mang”. Anh Tuấn tố cáo Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái (Cty Việt Thái) lừa đảo thu tiền mua nhưng không giao nhà.

Theo đó, anh Tuấn và nhiều khách hàng khác đã đóng gần 200 triệu đồng  góp vốn với công ty và 60 triệu đồng tiền chênh. Công ty viết cam kết sẽ gửi hồ sơ của anh Tuấn đến chủ đầu tư để ký hợp đồng và khi nào ký hợp đồng, Cty Việt Thái mới hoàn thành công việc. Nhưng đến nay hơn một năm anh Tuấn và các hộ gia đình khác vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức. Nhiều lần họ liên lạc với ông Hùng nhưng không thấy nghe máy, đến công ty thì không gặp được.

Luật sư Trương Thanh Đức
Luật sư Trương Thanh Đức

Cần xử lý nghiêm các hành vi trục lợi

Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) chỉ ra rằng, mua lại NƠXH khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, người mua nhà sẽ phải gánh chịu rất nhiều rủi ro, thậm chí “trắng tay”, tiền mất còn nhà không mua được. Nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý.

Luật sư Đức khuyến cáo, người dân trước khi giao dịch, mua bán NƠXH cần tìm hiểu kỹ pháp lý để tránh rủi ro. Nếu chỉ vì tâm lý sốt ruột, nôn nóng trước nhu cầu về chỗ ở trước mắt mà vội vàng không tìm hiểu, hoặc biết sai quy định nhưng vẫn chấp nhận mua nhà kiểu “chui”, thì vô tình chính người dân đã “tiếp tay” cho các hành vi trục lợi bất chính từ NƠXH.

Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng nhu cầu NƠXH vẫn còn rất cao, đòi hỏi cần có những cơ chế chính sách để tăng nguồn cung trong thời gian tới. Mặt khác, cần thay đổi cách làm hiện nay là giao toàn quyền xét duyệt hồ sơ cho chủ đầu tư. Ông Đức ví von, việc chủ đầu tư được giao quá nhiều quyền như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh kẽ hở dẫn tới hành vi trục lợi.

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao về chuyện tại một dự án nhà ở xã hội. Trong danh sách những người được mua nhà lại có tên bố mẹ của bà tổng giám đốc công ty - là chủ đầu tư dự án. Ông bà thân sinh của vị tổng giám đốc đứng tên hai căn khác nhau trong cùng một dự án. Trong khi đó, để mua được một căn hộ này, những người có thu nhập thấp phải nộp hồ sơ chấm điểm và trải qua nhiều vòng bốc thăm mới tới lượt.

Cũng theo luật sư Đức, chính sách về NƠXH đã tạo ra bộ mặt mới cho đô thị, tạo chốn an cư cho hàng nghìn hộ gia đình, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Việc lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước để trục lợi bằng bất cứ hình thức nào đều cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về NƠXH, nhà ở cho công nhân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu, góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ… 

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, việc phát triển NƠXH cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành được 179 dự án nhà ở xã hội chiếm khoảng 28% so với chỉ tiêu đề ra.

Đọc thêm