Trong đơn vị HC – KT đặc biệt: Người nước ngoài được sở hữu nhà như thế nào?

(PLO) - Theo Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB), tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được phép sở hữu nhà ở thông qua nhận chuyển nhượng từ tổ chức, cá nhân trong nước.
Khu kinh tế Bắc Vân Phong. Ảnh minh họa
Khu kinh tế Bắc Vân Phong. Ảnh minh họa

Theo dự thảo Luật, thời hạn sử dụng đất tại đơn vị HCKTĐB tương tự như thời hạn sử dụng trong khu kinh tế (không quá 70 năm). Đối với trường hợp các dự án được đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư như: khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục – đào tạo, dạy nghề và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB, của nhà đầu tư chiến lược, thời hạn sử dụng đất có thể lên tới 99 năm để đảm bảo sự cạnh tranh, sức hấp dẫn so với các đặc khu kinh tế khác trên thế giới.

Đồng thời, để đảm bảo chỉ cho phép thời hạn sử dụng đất dài hơn 70 năm cho các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định, người đứng đầu chính quyền đơn vị HCKTĐB (Trưởng Đơn bị HCKTĐB hoặc Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các trường hợp thời hạn sử dụng đất vượt quá 70 năm.

Dự thảo Luật cũng cho phép tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư. Theo Ban soạn thảo, đây là một trong những kênh huy động vốn, góp phần tạo nguồn vốn cho phát triển các đơn vị HCKTĐB. Đồng thời, tạo cơ hội để các nhà đầu tư trong đơn vị HCKTĐB chủ động tìm kiếm các nguồn vốn với chi phí rẻ hơn so với nguồn vốn trong nước. 

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam thông qua 3 hình thức: đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; mua, cho thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm nhà ở chung cư và căn hộ riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở; mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài có sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Để thu hút người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định bổ sung cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được phép sở hữu nhà ở thông qua nhận chuyển nhượng từ tổ chức, cá nhân trong nước. Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ cá nhân, tổ chức nước ngoài vào thị trường bất động sản của HCKTĐB.

Mặt khác, để đảm bảo an ninh và quản lý nhà nước, dự án Luật quy định, giữ nguyên điều kiện về tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở quy định tại pháp luật nhà ở. Cụ thể: đối với cá nhân nước ngoài thì phải thuộc diện được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong đơn vị HCKTĐB không quá 30% tổng số lượng căn hộ quy định tại Điều 161 Luật Nhà ở, không thuộc khu vực an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện phát triển ngành ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB là du lịch nghỉ dưỡng, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, cho thuê mua, nhận tặng cho bất động sản nghỉ dưỡng trong dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Đọc thêm