Cuộc tháo chạy bi thảm của quân đội Sài Gòn (Bài 1): Sai lầm không thể cứu vãn

(PLO) - Trước sức mạnh của Quân Giải phóng miền Nam (QGP) trong Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 – 3/4/1975), những nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuột của Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trong các trận phản công đều thất bại. 
Những đoàn xe khổng lồ tháo chạy khỏi Cao nguyên
Những đoàn xe khổng lồ tháo chạy khỏi Cao nguyên

Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã có một bước đi hết sức sai lầm khi ông ta quyết định rút quân trên toàn địa bàn Tây Nguyên để về giữ miền duyên hải Trung bộ. Ba ngày sau đó, hầu như toàn bộ Quân đoàn II quân VNCH tử trận và tan rã trong cuộc rút quân hỗn loạn trên con đường số 7 định mệnh.

Cuộc triệt thoái này của quân đội Sài Gòn đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trong tuyến phòng thủ quân sự, mở đầu cho những thất bại quân sự không thể cứu vãn nổi của VNCH. Ngay trong hồi ký, hồi ức của những sĩ quan VNCH và các nhà bình luận quân sự, điều này đều được thừa nhận.

Đọc quân sử thế giới, người ta thấy một định nghĩa chung về “hành quân triệt thoái”: Đó là hình thức hành quân khó nhất và nản lòng nhất. Đội quân nào được kể là thiện chiến nhất trên thế giới cũng vẫn e ngại khi phải thực hiện hành quân triệt thoái khi đang giao tranh với đối phương.

Kế hoạch triệt thoái thiết lập thật tỉ mỉ, sự thi hành kế hoạch phải thật nghiêm chỉnh và đúng. Phải có sự lưu thông rất cao. Đó là những đòi hỏi căn bản để thực hiện tốt đẹp một cuộc triệt thoái.

Trên bản đồ thì triệt thoái chỉ có nghĩa là một vài nét vạch bằng viết chì giải thích nhu cầu gom quân lại để có thêm lực lượng dự bị, để rút ngắn đường tiếp tế hòng lập một kế hoạch phòng thủ hữu hiệu hơn, hoặc một mục đích khác.

Nhưng áp dụng VNCH năm 1975, các nhận xét trên đây không dùng được. Cuộc triệt thoái được thiết kế thật tồi tệ, thời gian triệt thoái sai lầm một cách tai hại, thi hành kế hoạch thật nghèo nàn từ cấp lãnh đạo cao nhất ở Sài Gòn cho đến cấp tiểu đoàn.

Thiên tài quân sự thế giới Napoleon có nói đến hai điều áp dụng rất đúng cho sự tan rã của quân lực VNCH mùa xuân năm 1975. Một là “không có những trung đoàn tồi mà chỉ có những đại tá tồi”. Hai là “trong chiến tranh, tinh thần cần thiết hơn vũ khí theo tỷ lệ bốn trên một”.

Lệnh triệt thoái vô trách nhiệm với cấp dưới

Hãy nhìn lại cuộc triệt thoái từ cao nguyên đến Tuy Hòa 7 ngày 7 đêm trên quãng đường 300km này. Ai ra lệnh triệt thoái? Triệt thoái để làm gì? Cuộc triệt thoái được thi hành như thế nào?

Lúc 11h32’ ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa một phiên họp tại Cam Ranh, trong tòa nhà màu trắng nguy nga như một lâu đài. Tòa nhà này từng được làm trong thời gian cực ngắn, tốn phí một triệu USD để tổng thống Mỹ London Johnson tới làm việc và nghỉ có đúng một đêm.

Nhật ký hành quân của thiếu tá VNCH Phạm Huấn, sĩ quan tùy viên của tướng Phạm Văn Phú, ghi có những nhân vật sau đây dự buổi họp với Thiệu: Tướng Trần Thiện Khiêm (Thủ tướng VNCH), tướng Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH), tướng Đặng Văn Quang (Phụ tá An ninh Quân sự của Thiệu) và tướng Phạm Văn Phú (Tư lệnh Quân khu 2 và Quân đoàn 2).

Một binh sĩ VNCH gục đầu chán nản
 Một binh sĩ VNCH gục đầu chán nản

Buổi họp kéo dài từ 11h32’ đến 13h29’. Vẫn theo nhật ký của thiếu tá Phạm Huấn, Thiệu đã ra những chỉ thị quái gở sau đây trong buổi họp.

Thiệu ra lệnh cho tướng Phú: “Tôi ra lệnh cho các anh mang chủ lực quân, chiến xa, đại bác, máy bay về phòng thủ duyên hải và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột.

Có nghĩa là các lực lượng Địa phương quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chính ba tỉnh Pleiku, Kontum, Phú Bổn (trước 1975 VNCH chia Pleiku ra hi tỉnh Pleiku và Phú Bổn. Từ năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắk Lắk, sau đó phần lớn diện tích lại được nhập sang tỉnh Gia Lai - Kon Tum - NV) vẫn tiếp tục làm việc cùng với tỉnh trưởng, quận trưởng như thường lệ.

Quyết định mang tất cả chủ lực quân, chiến xa, pháo binh, máy bay của quân đoàn 2 khỏi Pleiku, Kontum, tôi đã thảo luận với các tướng lãnh. Đây cũng là một quyết định chung của Hội đồng Tướng lãnh như quyết định hôm qua cho tướng Trưởng ngoài Quân đoàn I”.

Tướng Phú bỗng hỏi Thiệu:

“Thưa tổng thống, nếu chủ lực quân thiết giáp, pháo binh rút đi, làm sao địa phương quân chống đỡ nổi khi đối phương đánh? Còn hàng chục ngàn dân, gia đình anh em binh sĩ?.

Thiệu trả lời:

“Tôi “cho” đối phương số dân đó. Với tình hình nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được những vùng dân cư đông đúc, màu mỡ… hơn là bị kẹt quá nhiều quân trên vùng cao nguyên”.

Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang đều im lặng, cái im lặng mặc nhiên xác nhận sự đồng lõa của họ trong quyết định liều lĩnh kiểu “điếc không sợ súng” của Thiệu.

Khi bàn về lộ trình rút, tướng Phú đề nghị cho liên tỉnh lộ số 7 để rút quân vì ông cho rằng trên trục lộ ấy, “hiện không có chủ lực quân của đối phương”.

Tổng tham mưu Cao Văn Viên trả lời như sau, khi được Thiệu hỏi ý kiến về sự lựa đường số 7 để rút: “Trình Tổng thống, nếu sử dụng được tỉnh lộ 7, sẽ có yếu tố bất ngờ và hi vọng thành công hơn Quốc lộ 19, nối liền Pleiku - Qui Nhơn”.

Và đây là chỉ thị chót của Thiệu cho tướng Phú: “Thiếu tướng Phú, tôi cho anh toàn quyền tổ chức và quyết định về cuộc hành quân để mang tất cả chủ lực quân, chiến xa, pháo binh, máy bay của Quân đoàn 2 về phòng thủ duyên hải, và tái chiếm Buôn Mê Thuột.

Vì tính cách vô cùng quan trọng của cuộc hành quân này, và để giữ được yếu tố bất ngờ với đối phương, anh chỉ cho các tướng lãnh, cấp chỉ huy biết từng phần của lệnh này, và ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật với dân chúng”.  

Kế hoạch sơ sài, người chỉ huy thiếu kinh nghiệm

Cần nhắc lại rằng lúc Thiệu ban hành lệnh triệt thoái một cách rất vô trách nhiệm này thì trên lãnh thổ Quân đoàn 2, quân lực VNCH còn có quân số tới 179 ngàn người. Trong số này, có sư đoàn 22 Bộ binh, sư đoàn 23 Bộ binh, sáu Liên đoàn Biệt Động quân, bốn Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp, và 12 tiểu đoàn pháo binh. Số quân xa tổng cộng lên tới 4000 chiếc lớn nhỏ. Đó là chưa kể số máy bay của Không quân VNCH.

Tướng Phú làm thế nào mà giữ được bất ngờ nếu cả trăm ngàn quân sĩ và 4000 quân xa đủ loại kia ào ào kéo nhau di chuyển trên liên tỉnh lộ 7? Phải chăng ông ta tin rằng đối phương sẽ ngồi yên cho phía VNCH an toàn mang chủ lực Quân đoàn 2 về duyên hải, và lại cũng sẽ ngồi yên cho Quân đoàn ấy tổ chức hành quân tái chiếm Buôn Mê Thuột, như lời Thiệu đã nói trong cuộc họp tại Cam Ranh buổi trưa 14/3/1975?

Tầm vóc và kích thước nỗi bi thảm của sự sụp đổ mau lẹ của VNCH càng ngày càng hiện rõ trước các lệnh mới của Thiệu, và trước các hành động của cấp thừa hành.

Một thông tin khác cũng do thiếu tá Phạm Huấn, sĩ quan tùy viên tướng Phú nêu ra, đã giúp người ta hiểu được một phần lý do đã đưa tới sự tan rã mau lẹ của cả một Quân đoàn:

“...Lại thêm một cái lệnh, một biến chuyển vô cùng quan trọng nữa mà tôi không thể hiểu nổi. 23h đêm 11/3/1975, tổng thống Thiệu gọi cho tướng Phú để chỉ thị tránh sa lầy, sử dụng quá nhiều quân vào một mặt trận. Toàn quyền linh động, có thể bỏ Ban Mê Thuột.

Nhưng ngay sáng hôm sau, 12/3/1975, các hệ thống truyền thanh, truyền hình và báo chí khai thác tối đa lệnh tái chiếm Ban Mê Thuột của tổng thống Thiệu. Tất cả lực lượng trực thăng bốn quân khu của VNCH đã được tập trung để thực hiện cuộc đổ quân tăng viện tái chiếm Ban Mê Thuột, rồi thất bại. Và rồi ngày 14/3/1975, tổng thống Thiệu bay ra Cam Ranh cùng với Hội đồng tướng lãnh gần như bắt buộc Tư lệnh Quân đoàn 2 phải rút bỏ cao nguyên...

Tướng Phú trong buổi họp tại Cam Ranh, và trên đường về, nói với tôi, thề quyết sẽ tử thủ Pleiku. Nhưng chỉ mấy giờ sau, ông họp Bộ Tham mưu thiết kế lệnh triệt thoái. Và sáng hôm nay, ông đã bỏ đi như một người chạy trốn, một cấp chỉ huy không có trách nhiệm”.

Ở đoạn trên, thiếu tá Phạm Huấn đã nói đến lực lượng trực thăng gom từ bốn Quân khu về Pleiku để đổ quân tăng viện trong cái ý định gọi là tái chiếm Ban Mê Thuột. Thế nhưng phân tích chi tiết này, người ta sẽ thấy chưa bao giờ sự yếu kém của quân VNCH hiện rõ như lúc này. Phải mất gần ba ngày, quân lực VNCH mới chuyển được gần sáu tiểu đoàn tới sân bay Phước An.

Một con số khác cũng cần được nhắc lại ở đây để làm rõ thêm số phận của một quân đội được huấn luyện theo binh pháp nhà giàu, rồi bỗng bị bỏ rơi một mình ôm cái lý thuyết nhà giàu ấy để áp dụng bằng những phương tiện nhà nghèo: Chỉ riêng trong trận Ia Drang, quân lực Mỹ đã dùng tới toàn thể 450 chiếc trực thăng của Sư đoàn Kỵ binh Không vận Mỹ, chưa kể hàng trăm vận tải cơ lớn nhỏ của không lực Mỹ để chở cùng một lúc sáu tiểu đoàn dù VNCH nhảy xuống vùng biên giới ranh giới tỉnh Pleiku.  

Nhật ký hành quân của Quân đoàn 2 ghi rằng kế hoạch triệt thoái được thảo xong trong vòng có hai ngày. Mọi nguyên tắc căn bản và sơ đẳng để thiết kế và điều khiển một cuộc hành quân triệt thoái cấp chiến lược đã hoàn toàn bị gạt sang một bên.

Khu vực trung tâm Kontum nhìn từ máy bay đầu năm 1975
Khu vực trung tâm Kontum nhìn từ máy bay đầu năm 1975

Sĩ quan được chọn lựa để điều khiển cuộc hành quân lịch sử này là đại tá Phạm Duy Tất (chỉ huy trưởng các đơn vị Biệt động quân của Quân khu 2). Không ai chối cãi rằng đại tá Tất là một sĩ quan cấp tá giỏi và can đảm, nhưng ngoài nhiệm vụ chỉ huy các liên đoàn ở cấp quân khu, ông ta chưa có vinh dự thử lửa để điều khiển một cuộc hành quân cấp sư đoàn và cấp cao hơn nữa.

Binh sĩ tức giận bắn lên máy bay Tư lệnh mặt trận

Buổi chiều 14/3/1975, tướng Phạm Văn Phú họp Bộ Tham mưu Quân đoàn, long trọng “thừa ủy nhiệm Tổng thống, Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực VNCH” đặc cách thăng cấp Chuẩn tướng cho Đại tá Phạm Duy Tất (lúc ấy là Tư lệnh Mặt trận Kontum). Gắn lon cho Đại tá Tất xong, tướng Phú chỉ định chuẩn tướng Tất điều khiển tổng quát cuộc triệt thoái.

Vụ gắn lon cấp tướng theo tinh thần khẩn cấp này làm buồn lòng không ít sĩ quan trong bộ tham mưu của tướng Phú. Nhưng mọi người đã tìm được một lời giải thích không mấy vẻ vang: “Ai cũng biết đại tá Tất trước kia cùng ở Lực lượng Đặc biệt, và là đàn em thân tín của tướng Phú.”

Tình trạng vô kỷ luật bắt đầu diễn ra từ đây. Khi được chỉ định làm tân tư lệnh sư đoàn 23 Bộ binh, Tỉnh trưởng Nha Trang là đại tá Lý Bá Phẩm từ chối. Sau đó, ông ta lại được tướng Phú ra lệnh “chịu trách nhiệm về quốc lộ 21 từ Khánh Dương về Nha Trang, và tổ chức tuyến phòng thủ thứ 3 tại Dục Mỹ. Người ta có thể đoán trước số phận của “tuyến thứ 3” sẽ ra sao trong tình thế này rồi.

Vào buổi chiều ngày đầy hỗn loạn này, viên tổng lãnh sự Mỹ ở Nha Trang đến gặp tướng Phú. Phía Mỹ đã biết là VNCH muốn rút bỏ cao nguyên, nhưng họ phàn nàn là “không được thông báo và không được sự hợp tác của phía VNCH”. Do đó họ đành phải “tự lo liệu di tản nhân viên và các hồ sơ mật tại ba tỉnh Kontum, Pleiku và Phú Bổn.”

Một đoàn xe tăng VNCH tìm đường rút quân
Một đoàn xe tăng VNCH tìm đường rút quân

Trước khi cuộc triệt thoái bắt đầu, nhật ký hành quân của Quân đoàn 2 ghi những chi tiết này:

1. Hai Liên đoàn Biệt động quân của Quân đoàn 2 (mang số 25 và 47) đang phòng thủ ở tuyến xa nhất của mặt trận nam Pleiku thì được lệnh rút mà không được bảo vệ. Tướng Tất gọi về Quân đoàn xin oanh tạc để yểm trợ cuộc rút của hai liên đoàn kia.

Một sĩ quan cùng ngồi trên chiếc trực thăng chỉ huy của tướng Tất tiết lộ rằng “khi Tư lệnh Mặt trận bay trên đầu cánh quân này, phía dưới đã bắn lên. Tất cả các cấp của hai liên đoàn này đều rất tức giận vì cuộc rút quân diễn ra mau quá, họ cảm thấy như bị bỏ rơi”.

2. Lúc gần chiều tối, phi trường Cù Hanh ở Pleiku bị pháo, nhưng báo cáo lại khác nhau. Phụ tá hành quân của tướng Phú và tham mưu trưởng của Quân đoàn 2 báo cáo rằng sân bay chỉ bị pháo nhẹ, trong khi Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân lại báo cáo rằng sân bay bị pháo nặng.

Phi trường rất hỗn loạn. Tại Pleiku, khi tướng Phú đi rồi, bốn người có quyền hành nhất là tướng Tất, tướng Cẩm, tướng Sang và đại tá Lý. Không ai phục ai. Mọi việc đều được quyết định theo kiểu tự do và chỉ có mục đích có lợi cho phe nhóm, cho em út dưới quyền.

3. Khoảng 20h. Tướng Phú gọi Tư lệnh Sư đoàn 23 và Tỉnh trưởng Nha Trang ra lệnh phải bảo vệ tối đa quốc lộ 21 (Khánh Dương - Nha Trang) không để cho đối phương đóng chốt, và đề phòng sự xáo trộn, hỗn loạn trong thị xã.  

4, Sau đó, tướng Phú ra lệnh cho tướng Cẩm ủy nhiệm các tỉnh trưởng Kontum và Pleiku phải giữ hai tỉnh ấy sau khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã rút đi.

5, Tướng Phú ra lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức (địa bàn tỉnh Quảng Đức gần như là địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày nay - NV) là phải giữ tỉnh ấy “bằng mọi giá,” dầu cho có phải chết tại đó.

Người ta có thể tóm tắt lệnh của tướng Phú như sau: “Quân đoàn rút đi, còn các tỉnh địa đầu như Kontum, Quảng Đức phải tử thủ. Các đơn vị Địa phương quân tuy chỉ được trang bị toàn súng hạng nhẹ lại được giao trọng trách ở lại đương đầu với lực lượng chủ lực của QGP, chưa kể là QGP còn được tăng cường nhiều đơn vị chiến xa và pháo binh”.

Tình cảnh “thượng bất chính, hạ tắc loạn”

Tin Quân đoàn 2 rút khỏi cao nguyên chẳng còn gì gọi là bí mật nữa. Hai ngày trước khi cuộc triệt thoái bắt đầu, những người sống ở thị xã Pleiku (dân cũng như quân) đều biết. Hậu quả đầu tiên và không tránh được là cướp phá, bắn giết và hỗn loạn ở trong và ngoài thị xã.

Tình hình hỗn loạn không kém tại các phi trường
Tình hình hỗn loạn không kém tại các phi trường  

Trong cái không khí đượm màu bại trận ấy, người ta còn phải chứng kiến sự chia rẽ, bất mãn và thù hận lẫn nhau trong Bộ Tham mưu Quân đoàn 2 trước và trong lúc triệt thoái.

Thiếu tá Phạm Huấn ghi lại các báo cáo “chọi” nhau của các giới hữu trách quân đội VNCH. Tham mưu trưởng của Quân đoàn 2 (đại tá Lê Khắc Lý) báo cáo về phòng 3 Bộ Tổng Tham mưu rằng Pleiku rất hỗn loạn trong ngày 16/3/1975. Dân chúng và gia đình binh sĩ tràn vào sân bay Cù Hanh dữ dội quá đến nỗi lực lượng an ninh không cản được.

Nhưng Tỉnh trưởng Pleiku là đại tá Nhu lại báo cáo với tướng Phú (lúc này có mặt tại Nha Trang) rằng tình hình có rối loạn nhưng không trầm trọng lắm.

Vì Tỉnh trưởng Pleiku được coi như tiếng nói chính thức đại diện cho tướng Phạm Duy Tất (Tư lệnh cuộc triệt thoái) nên tướng Phú tin ở báo cáo của ông ta và tường trình với phòng 3 Bộ Tổng Tham mưu rằng “đại tá Lý mất bình tĩnh nên báo cáo không đúng sự thật”.

Nhân chứng Phạm Huấn nhận xét rằng, đại tá Lý là một sĩ quan tham mưu tài giỏi, nhưng ông ta bất mãn vì đã từng được tướng Phú hứa cho thăng cấp tướng, rồi lại chứng kiến cảnh cho thăng cấp tướng “khẩn cấp” cho đại tá Tất. Vì sự bất mãn này, cho nên sau khi tướng Phú đi khỏi Pleiku, đại tá Lý đã bất chấp mọi mệnh lệnh của những cấp chỉ huy trực tiếp của ông.

Nhân chứng Phạm Huấn làm cho người đọc có thể hiểu lầm rằng đại tá Lý quá bất mãn về vụ không được thăng cấp tướng nên đã bất phục tùng, nhưng Thiếu tá Phạm Huấn đã cho người ta một cái nhìn thẳng thắn về sự bối rối của toàn thể bộ tham mưu của Quân đoàn 2, từ Tư lệnh Quân đoàn Phạm Văn Phú cho đến Tham Mưu trưởng Lê Khắc Lý và các sĩ quan cao cấp khác.

Từ nhận xét của Phạm Huấn, người đọc sẽ nhận ra một cuộc triệt thoái chiến lược lại được thiết kế một cách cẩu thả gần như vô trách nhiệm như vậy. Cấp lãnh đạo Quân đoàn lại còn mắc vào cái lỗi sơ đẳng là “thượng bất chính, hạ tắc loạn” nữa.

Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.

Đọc thêm