Nhiều Đại học mập mờ công khai học phí: Sinh viên tiến thoái lưỡng nan?

(PLO) - Hiện hầu hết các tân sinh viên đã nhập học với số điểm trúng tuyển NV1 khá cao. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi các em đa số từ các gia đình ngoại tỉnh về thành phố, phải đối diện với học phí tăng, đặc biệt ở các trường tự chủ tài chính… Thậm chí có trường đã mập mờ, không thông báo về việc tăng học phí ngay từ đầu năm theo quy định để thí sinh còn “liệu cơm gắp mắm”…
Nhiều Đại học mập mờ công khai học phí: Sinh viên tiến thoái lưỡng nan?

Tân sinh viên “trở tay không kịp”

Dù trong quy chế tuyển sinh quy định phải công khai mức học phí dự kiến ngay từ đầu năm. Nhưng 2 năm qua, đến lúc thí sinh đã đăng ký xét tuyển xong xuôi, hoặc đến lúc nhập học mới “té ngửa” vì mình chọn phải trường đã tự chủ, có học phí cao.

Trước đó, các tân sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội bày tỏ sự hoang mang, khi trên fanpage của nhà trường thông báo về “Đề án thí điểm mức thu học phí mới”. Cụ thể, đối với các sinh viên trúng tuyển, nộp hồ sơ nhập học sau ngày 4.7, trường sẽ áp dụng thu mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ đại học chính quy năm học 2017- 2018 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm, tăng gấp đôi so với trước. Nhiều thí sinh cho hay, nếu biết trước trường tăng học phí, em đã chọn trường khác. Nhưng vì nghĩ học phí thấp nên em đã chọn trường dù không thích lắm, nào ngờ giờ học phí tăng gấp đôi nên em hoang mang lắm…

Nhiều sinh viên của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang rối bời vì từ năm 2018, học phí của trường sẽ tăng từ 3,4- 4,1 lần, lên tới 4,4 triệu đồng/tháng với ngành bác sĩ đa khoa. Điều đáng nói, tháng 3/2017 (thời điểm trước khi thí sinh đăng ký dự thi), trường này công bố đề án tuyển sinh trên web của Bộ GD&ĐT nhưng thông tin về học phí không đúng với quy chế.

Thay vì phải nêu rõ mức học phí dự kiến thì mục này chỉ vỏn vẹn một câu: “Nhà trường sẽ công bố trên website sau khi được UBND TP HCM phê duyệt đề án tự chủ tài chính”. Và mức tăng dự kiến ấy cũng là mức  tăng cao nhất. Đây là năm đầu tiên trường này được tuyển sinh toàn quốc thay vì chỉ tuyển hộ khẩu TP HCM như các năm trước, nên sinh viên ngoại tỉnh sẽ không được TP HCM cấp bù ngân sách. So với mức học phí hiện tại chỉ 1,07 triệu/sinh viên/tháng, học phí một số ngành của trường tăng từ 3,4 đến 4,1 lần. 

Cũng theo quy định của Chính phủ, mức thu học phí bình quân tối đa của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ (áp dụng cho chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm học 2017 - 2018 là 18 triệu đồng/sinh viên. Bắt đầu từ năm học 2018-2019 là 19,2 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2019 - 2020 là 20,4 triệu đồng/sinh viên/năm; năm học 2020 - 2021 là 21,6 triệu đồng/sinh viên. Đối với các ngành đào tạo bác sỹ, dược sỹ, cử nhân theo nhu cầu xã hội trường được quyết định mức học phí không vượt quá mức trần học phí tương ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ (tối đa 44 triệu/sinh viên/năm).

Phải chấp nhận “sân chơi”

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong năm học này. Các trường ĐH phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính”.  

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, sinh viên nên chấp nhận “cuộc chơi”, coi việc vào ĐH như một phi vụ đầu tư cho tương lai. Bởi vì trước sau gì, 100% các trường ĐH sẽ được giao quyền tự chủ và áp dụng mức thu học phí mới. Đồng thời, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng kiến nghị, cần đẩy nhanh xu hướng tự chủ ĐH, để tránh những bất hợp lý trong hệ thống giáo dục. Đó là trường tự chủ trước thì học phí cao, trường chưa tự chủ thì học phí thấp. Người học chẳng biết tự chủ là thế nào, chỉ biết tăng học phí thì sẽ kêu.

“Tôi cho rằng, giáo dục phổ thông càng bao cấp nhiều càng tốt, giáo dục ĐH thì càng tự chủ càng tốt. Để các trường cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, nâng thu nhập cho giảng viên để giữ chân người tài...”, theo ông Tớp.

Chính phủ đang soạn thảo Nghị định về cơ chế của các trường ĐH, CĐ phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ. Và khi các trường tiến hành tự chủ, thì nguồn kinh phí chi thường xuyên “bao cấp” của Nhà nước sẽ bị cắt. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường ĐH sẽ buộc phải tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng học phí có nâng cao chất lượng, có đáng “đồng tiền bát gạo” hay không vẫn  là câu hỏi còn bỏ ngỏ với không chỉ thí sinh… 

Đọc thêm