Số hóa 836.329 phần mộ liệt sĩ

(PLO) - Việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ không chỉ là nghĩa cử tri ân với người đã quên mình vì Tổ quốc mà còn tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhanh chóng, chính xác hơn, qua đó giúp các thân nhân giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.
Đoàn công tác cập nhật thông tin về phần mộ các liệt sĩ
Đoàn công tác cập nhật thông tin về phần mộ các liệt sĩ

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng đến nay vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000.

Nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ chưa biết mộ con em mình nằm ở đâu. Việc các gia đình đi đến từng nghĩa trang, từng mộ liệt sĩ tìm thân nhân vô cùng khó khăn tốn kém. Vì vậy, xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là việc làm không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh thân mình vì đất nước; tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân tiếp cận thông tin nhanh nhất. Giúp cho thân nhân các liệt sĩ bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân, góp phần làm vơi đi nỗi đau chiến tranh.

Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ và gần 43.000 lao động trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng phối hợp xây dựng quy trình về phân chia dữ liệu các cấp, các phần mềm ứng dụng phục vụ cổng thông tin và thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc.

Đây là hệ thống ứng dụng đầu tiên được xây dựng và phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đến với người dân; cập nhật, bổ sung và kiểm soát tính chính xác của các thông tin hiện tại do Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đang quản lý và sử dụng.

Thực hiện Đề án Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, với sự phối hợp chặt chẽ của Ngành Thông tin và Truyền thông, ngành LĐ-TB&XH, cùng UBND các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, 63 Bưu điện tỉnh, thành phố đã có được thông tin về gần 3.000 nghĩa trang trên toàn quốc. Các Bưu điện tỉnh, thành phố đã thực hiện việc sửa sang, quét dọn, khang trang nghĩa trang và bia mộ. Đối với những bia mộ bị mờ, không rõ thông tin đã sửa sang để ảnh chụp bia mộ lên website đảm bảo thông tin và thẩm mỹ.

Trên cơ sở dữ liệu thực tế, mỗi nhân viên bưu điện sẽ thực hiện thu thập hình ảnh mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang thông qua smartphone đã cài đặt phần mềm có các tính năng: chụp ảnh bia mộ liệt sỹ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh... để thu thập dữ liệu. Mỗi nhân viên thực hiện đều có trách nhiệm kiểm tra, so sánh thông tin giữa thực tế và dữ liệu do các Sở LĐ-TB&XH cung cấp. Nếu thông tin trùng khớp, mỗi ngôi mộ sẽ  chụp 3 bức ảnh: chính diện bia, toàn thể ngôi mộ và khung cảnh rộng ngôi mộ cùng với một số ngôi mộ xung quanh. Sau khi chụp xong, ứng dụng phần mềm sẽ chuyển thông tin thu thập được về hệ thống máy chủ. Tại đây, hệ thống thẩm tra dữ liệu sẽ cho phép ghép nối nhanh chóng từng bức ảnh với dữ liệu đã có sẵn của Bộ LĐ-TB&XH, ứng với từng nghĩa trang cụ thể...

Ngày 20/5/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông, cán bộ, nhân viên VNPost cùng sinh viên tình nguyện… đã thực hiện thu thập, chụp ảnh dữ liệu mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc thu thập toạ độ, chụp ảnh các mộ liệt sĩ trên cả nước để xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã hiện thực hoá mong ước hàng chục năm qua của những người làm công tác đền ơn đáp nghĩa.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, chụp ảnh thực tế từng ngôi mộ và đối chiếu với dữ liệu hiện có thay cho việc đối soát thủ công hàng chục năm qua. Từ đó xây dựng được cơ sở dữ liệu chính xác về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để nhân dân và thân nhân liệt sĩ biết chính xác vị trí của từng mộ liệt sĩ ở đâu, nghĩa trang nào, tình trạng ra sao, cần sơn sửa, tu bổ gì. Cùng với đó phải tiếp tục tiến hành tìm kiếm, quy tập và xác định các hài cốt liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

“Dựa trên cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ cần tính đến phương án tích hợp, bổ sung thêm các thông tin về thân nhân, gia đình liệt sĩ, con liệt sĩ, điều kiện, hoàn cảnh sống… để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa bài bản, tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của VNPost, hiện nay cả nước đã thu thập thông tin được 836.329 mộ liệt sĩ, 3.080 nghĩa trang liệt sĩ, chiếm tỷ lệ 95% tổng số mộ liệt sĩ có dữ liệu trên cơ sở dữ liệu của Bộ LĐ-TB&XH. 41 bưu điện tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu. Trong đó rất nhiều địa phương đã hoàn thành 100% kế hoạch như: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Long An, Hải Phòng, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Thọ, Gia Lai, Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Bình, Cần Thơ, Hậu Giang, Kon Tum, Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Cao Bằng… Còn lại 22 bưu điện tỉnh, thành phố chưa thu thập được hết dữ liệu do các nghĩa trang còn đang trùng tu, cải tạo, sửa chữa vì xuống cấp. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung  đề nghị trước ngày 20/7/2018 sẽ ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đồng thời kết hợp với việc trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với những trường hợp còn tồn đọng thời gian qua đã được xử lý.

Trong giai đoạn II (tháng 8/2018 - 2019), VNPost sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện việc cập nhật thông tin (đối với những trường hợp có sự thay đổi: Tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, di chuyển, quy tập mộ liệt sĩ mới) ghép nối hoàn thiện dữ liệu để phục vụ việc tra cứu thông tin của người dân và công tác quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

Đọc thêm