Tướng tài Việt Nam: Phò mã quyết tử vì dân lành Phú Xuân

(PLO) - Đầu năm 1802, Nguyễn Ánh lấy được Phú Xuân (Huế), chấm dứt cuộc chiến 25 năm với nhà Tây Sơn. Sau đó ông lên ngôi lấy hiệu Gia Long, lập ra nhà Nguyễn. Trước đó một năm, khi Nguyễn Ánh đang đem quân cứu thành Bình Định do tướng Võ Tánh trấn giữ thì võ tướng này viết mật thư khuyên chủ tướng bỏ thành Bình Định mà đánh thẳng ra Phú Xuân.
Lễ khánh thành đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh ở ấp Gò Tre, thị xã Gò Công năm 2017.
Lễ khánh thành đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh ở ấp Gò Tre, thị xã Gò Công năm 2017.

1 trong 3 “Gia Định tam hùng”

Võ Tánh (1768 - 1801), ông sinh tại huyện Phước An (trấn Biên Hòa), sau dời đến huyện Bình Dương (Gia Định). Gia đình làm binh trong phong trào Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân.

Võ Tánh là người sáng suốt, tinh thông võ nghệ. Năm 1785, khi quân Tây Sơn vào Gia Định, Nguyễn Ánh chạy ra Phú Quốc, Võ Tánh sau thời gian bỏ  trốn đã ra mặt dấy binh ở Phù Viên (Vườn trầu, tức vùng Hóc Môn, Bà Điểm), sau dời xuống Định Tường giữ Gò Công. Ông tự xưng Tổng nhung, chia binh làm 5 đạo gọi là đạo Kiến Hòa.

Lúc này Tây Sơn Nguyễn Nhạc sai tướng là Ngụy Nguyên đánh Gò Công, Võ Tánh thắng trận, giết chết tướng Tây Sơn, được xưng tụng là một trong “Gia Định tam hùng” gồm Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Năm 1787, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Đức Xuyên, Trương Phúc Giáo triệu thỉnh Võ Tánh, năm sau ông đem quân và thuộc hạ theo Nguyễn Ánh tại Sa Đéc.

Năm Mậu Thân (1788) vị tướng này được phong làm Khâm sai Tổng nhung, dinh Tiền Phong, sau đó được Chúa Nguyễn gả em gái là Ngọc Dụ Công chúa. Nhờ có nhiều công trận, năm 1795 Võ Tánh được thăng chức Khâm sa Chưởng hậu quân, Bình Tây tham thặng Đại tướng quân, tước Quận công. 

Năm 1790, Võ Tánh cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Thành, Lê Văn Câu được Chúa Nguyễn Ánh sai đem thủy lục quân ra đánh quân Tây Sơn ở Bình Thuận, sau 3 tháng giao tranh không phân thắng bại phải rút về Gia Định. 

Tháng 3/1793, Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương đem thủy binh hội cùng Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Huỳnh Đức đem bộ binh đánh Bình Thuận. Thủy binh chiếm được thành Diên Khánh, chiếm được Bình Thuận rồi Phú Yên. Tại Bình Định, thủy quân của Nguyễn Ánh vào cửa Thị Nại, Võ Tánh đem quân đánh bọc hậu. Thành Quy Nhơn bị bao vây, Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) cầu viện Phú Xuân. Nguyễn Ánh thấy viện binh hung hậu nên rút về Diên Khánh. 

Tháng 3/1799, Nguyễn Ánh lại cử đại binh ra đánh Quy Nhơn, sai Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức đem quân đóng ở núi Hàm Long, huyện Tuy Phước. Tại đây Võ Tánh đánh thắng tướng Tây Sơn là Võ Đình Tú. Đến đầu tháng 5, Nguyễn Ánh kéo quân lên vây thành Quy Nhơn. Võ Tánh đem quân từ núi Hàm Long đánh đồn Trấp Xá ở Quán Chẹt buộc tướng giữ đồn phải bỏ chạy về Quy Nhơn.

Quân Võ Tánh kéo đánh tiếp đồn tháp Tri Thiện (tháp Bánh ít). Tướng giữ đồn trúng đạn chết trên bành voi. Võ Tánh thừa thắng kéo ra Ngạc Đầm ở huyện An Nhơn. Trên núi phía Đông của Bàu Sấu có 7 đồn lính bảo vệ mặt sau thành Quy Nhơn, cả 7 đồn rất kiên cố. Quân Võ Tánh tiến công lên nhiều đợt nhưng đều bị đánh lui, cuối cùng phải đóng quân dưới chân núi.

Trong khi đó Nguyễn Ánh đánh thành Quy Nhơn mấy ngày liền mà không lay chuyển. Tướng giữ thành là Lê Văn Thành đóng cửa cầm cự chờ viện binh, song Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bị chặn lại tạ Thạch Tân, Quảng Ngãi. Lê Văn Thành đợi không thấy viện binh, trong thành lại hết lương thực nên phải mở cổng thành quy hàng.

Nguyễn Ánh nhập thành, sai chém hết tướng nhà Tây Sơn, đồng thời đổi tên thành Quy Nhơn sang thành Bình Định. Nguyễn Quang Huy hay tin kéo quân từ Phú Yên ra chiếm lại thành Quy Nhơn song thất bại. Tuy nhiên, ông cũng bắn Nguyễn Ánh trọng thương phải trở về Gia Định.

Lăng kỷ niệm Võ Tánh ở Phú Nhuận.
Lăng kỷ niệm Võ Tánh ở Phú Nhuận.

Khi đại quân Chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ và bị Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng từ Thuận Hóa vào hãm thành 14 tháng. Tháng Giêng năm 1800, Trần Quang Diệu hợp quân cùng Võ Văn Dũng tiến vào Quy Nhơn. Võ Tánh đem quân ra đánh nhưng đại bại phải rút quân vào thành cố thủ, nhờ cung tên, đạn dược đầy đủ nên giữ được thành. Trần Quang Diệu một mặt cho đắp trường lũy bao vây, một mặt cho quân đóng chặn mặt biển.

Viết thư xin tha mạng cho quân dân

Tháng 3 cùng năm, Nguyễn Ánh kéo thủy bộ binh ra cứu viện. Cả hai cánh quân thủy bộ đều bị quân Tây Sơn chặn đánh, tới tháng 11 thì rút về Gia Định. Sau đó lại kéo quân ra đánh nhưng vẫn không cứu được thành Bình Định.

Còn Võ Tánh tuy gần cạn đạn dược, lương thực song vẫn cố thủ và sai nữ tướng tâm phúc là Nguyễn Thị Hào mang mật thư gặp Nguyễn Ánh, khuyên nên bỏ thành Bình Định mà đánh chiếm Phú Xuân vì lực lượng chủ lực của Tây Sơn đã kéo hết vào Bình Định, lực lượng ở Phú Xuân rất yếu. 

Nguyễn Ánh nghe lời khuyên, kéo quân ra đánh Phú Xuân. Quân nhà Nguyễn còn lại do Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức hợp lại, bị quân Tây Sơn đánh bật khỏi đất Quy Nhơn.

Quân mệt mỏi, cung tên, đạn dược đều cạn, lương thực lại không còn, Võ Tánh liệu không thể trụ được bèn viết thư cho Trần Quang Diệu yêu cầu lúc vào thành đừng sát hại quân dân vô tội, đoạn mời Ngô Tùng Châu đến nói: “Thành thế nào cũng mất, tôi là tướng võ phải chết theo thành nhưng không muốn cho địch thấy mặt. Còn ngài là quan văn hãy cố bảo trọng’.

Ngô Tùng Châu nói xin phép đi trước rồi về dinh uống thuốc độc. Võ Tánh sai quân chất củi khô ở bát giác và rải thuốc súng xung quanh. Quận Công thay áo mão ung dung bước lên lầu, hướng về Bắc lạy rồi truyền châm hỏa, quân lính không nỡ ra tay. Võ Tánh đòi hút thuốc, Quận Công hít một hơi dài rồi quăng điếu thuốc xuống, lửa bùng lên cháy cả trong lẫn ngoài. Lầu bát giác hóa thành khối lửa cháy hừng hực. Tiếng khóc vang thành.

Rồi cửa thành mở, quân Trần Quang Diệu tiến vào, quân lính trong thành bỏ khí giới. Trần Quang Diệu cho thu hài cốt hai trung thần nhà Nguyễn chôn cất theo lễ nghi. Quang cảnh thành Bình Định vừa bi vừa hung, đó là ngày 27/5/1801. Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu cảm động cho lượm tinh cốt mai táng hai ông tử tế và tha bổng toàn bộ bại binh.

Đầu năm 1802, sau khi lấy được Phú Xuân quân nhà Nguyễn do Lê Văn Duyệt và Lê Chất kéo vào Quy Nhơn, các tướng Tây Sơn gồm Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lộc đã chỉ huy quân Tây Sơn với 8.000 quân mai phục các vị trí trọng yếu trên núi Kỳ Sơn (phía đông nam thành Quy Nhơn) đánh một trận lớn đại phá 3 vạn quân của nhà Nguyễn.

Đây là trận đánh cuối cùng của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn trên đất Quy Nhơn trước khi Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, để cùng với Võ Văn Dũng đem 3.000 quân, 800 thớt voi theo đường thượng đạo sang Lào ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802). 

Năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long truy tặng Võ Tánh Dực Vận Công Thần, Đặc Tiến Phụ Quốc, Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái Úy Quốc Công, tên thụy Trung Liệt. Gia Long sai Cai bạ Đinh Công Khiêm, Cai đội Tôn Thất Bính mang áo mũ gấm lụa đến quân thứ ở Thị Nại thu lượm tàn cốt về chôn ở Gia Định, năm 1804 ông được thờ ở đền Hiển Trung (Gia Định), cấp cho tự điền, mộ phu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong Hoài Quốc công.

Ngoài lăng Võ Tánh hình tròn trên có đắp biểu tượng con dơi nằm kế mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật (đã được cải táng về Phù Cát) trong nội cung thành Hoàng Đế Nguyễn Nhạc, Vua Gia Long sai lập mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê) và chôn hình nhân bằng sáp. Ông còn có đền thờ mang tên là Võ Quốc Công Miếu ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận (Gò Công).

Riêng Di tích lăng mộ Võ Tánh tại hẻm số 19 Hồ Văn Huê là một tổng thể các kiến trúc văn hóa gồm cả đền thờ (áo mão, kiếm lệnh) và lăng mộ. Riêng về phần mộ Võ Tánh, do được tu bổ thường xuyên và được xây dựng bằng hợp chất nên vẫn giữ được dáng hình nguyên thủy, còn nguyên vẹn các bức bình phong, các đoạn tường bao và nấm mộ. Mộ nằm phía sau và cách Chánh điện và Nhà hát 15m. 

Đọc thêm