Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Hành vi tẩu tán tài sản đã được Imexco Thanh Hoá sắp đặt một cách có hệ thống, tinh vi

(PLO) - Thời gian vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều bài viết  phân tích dấu hiệu của hành vi tẩu tán tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Lê Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thanh Hóa (Imexco Thanh Hóa), có trụ sở tại số 02, Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Để tìm hiểu và làm rõ hơn các hành vi này, PV đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Luật sư Lê Ngọc Hoàng
Luật sư Lê Ngọc Hoàng

PV: Thưa Luật sư qua việc nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu mà Báo pháp luật Việt Nam cung cấp, ông có nhìn nhận và ý kiến đánh giá gì về mặt chuyên môn đối với hành vi của ông Lê Văn Long, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa?

Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Theo hồ sơ, tài liệu mà Quý Báo cung cấp, tôi có thể nói rằng toàn bộ sự việc đã được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thanh Hóa mà đứng đầu là ông Lê Văn Long, Giám đốc, sắp đặt một cách có hệ thống, tinh vi và đều thực hiện một cách hết sức bài bản từ việc ký Hợp đồng mua bán hàng hóa, nhận đủ hàng, bán xong hàng và không trả tiền cho Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản (Apromaco). Sau đó, lại được sắp đặt bằng một thỏa thuận giữa các đương sự thông qua một Quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa. Từ đây, bắt đầu một hành trình tẩu tán tài sản được ẩn mình dưới nhiều hình thức khác nhau như Báo pháp luật Việt Nam đã đưa tin: Chia tách doanh nghiệp, thành lập các Công ty con, sau đó chuyển vốn của Công ty mẹ tại các Công ty con cho các cá nhân v.v. và đặc biệt nguy hiểm là đối tượng Lê Văn Long đã tiến hành chuyển nhượng tài sản là toàn bộ khu nhà đất tọa lạc tại địa chỉ số 02, Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa cho một đơn vị khác với giá trị ghi trên Hợp đồng 5.675.500.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực (giá thị trường hiện tại không dưới 25 tỷ đồng)của tài sản này.        

Công ty CP Vật tư nông sản khổ vì món nợ 20 tỷ không đòi được với Imexco Thanh Hoá
Công ty CP Vật tư nông sản khổ vì món nợ 20 tỷ không đòi được với Imexco Thanh Hoá

 Dưới góc độ pháp lý mà nói: Tất cả những việc làm trên của ông Lê Văn Long và các cộng sự là hành vi tẩu tán tài sản nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Như chúng ta đã biết, Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 09/QĐST-KDTM ngày 22/5/2015 có hiệu lực ngay sau khi được ban hành và không thể bị kháng cáo hay kháng nghị theo bất kỳ một thủ tục tố tụng nào. Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Công ty CP Vật tư Nông sản, Chấp hành viên Chi cục THA Dân sự thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định và tổ chức thi hành án là có căn cứ và đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành án, khi xác minh tài sản của Imexco Thanh Hóa thấy có sự chuyển dịch tài sản (chia tách doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn v.v.) thì Chấp hành viên lại không xác định đó là vi phạm theo khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên theo quy định của pháp luật, cho là chưa có điều kiện để thi hành án là vi phạm khoản 2, Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự.

         Đối với việc chuyển nhượng tài sản là Nhà đất tại số 02, Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa (Hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất số 2807/2017/XNKTH-HT ngày 27/7/2017 giữa Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa và Công ty CP Tập đoàn Hữu Tín) thì hành vi này phải được xác định đây là hành vi cố tình tẩu tán tài sản của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa, vi phạm 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và ngay lập tức tài sản này phải bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Hợp đông chuyển nhượng này đương nhiên bị vô hiệu theo quy định của pháp luật.

         Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Cơ quan thi hành án vẫn chưa thực hiện việc kê biên đối với tài sản này. Còn lý do vì sao thì có lẽ phải để các cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể là Cơ quan công an và Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm rõ? Và tôi cũng không loại trừ có hành vi trốn thuế trong việc ký kết bán tài sản mà giá trị trên Hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế?

         PV: Thưa Luật sư, theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang thụ lý việc phá sản doanh nghiệp đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa, Luật sư có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

         Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Có thể nói đây là một bước leo thang nguy hiểm của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa, nếu Tòa án không xem xét một cách khách quan, toàn diện bản chất của vụ việc thì sẽ tạo điều kiện không thể tốt hơn cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa hoàn tất việc tẩu tán toàn bộ tài sản và chiếm đoạt thành công số tiền hơn 20 tỷ đồng của Công ty CP Vật tư Nông sản. Tòa án cần xác định về các điều kiện để tiến hành phá sản của doanh nghiệp theo quy định của Luật Phá sản xem có đủ điều kiện không? Tại sao trong khi Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa đang phải thi hành án (và trên thực tế có đủ điều kiện để thi hành án) lại tiến hành các thủ tục phá sản doanh nghiệp? Mục đích ở đây là gì? Phải chăng là việc này chính là một thủ đoạn mới để thực hiện thành công việc tẩu tán tài sản, cố tình chiếm đoạt đến cùng tài sản của Công ty Cổ phẩn Vật tư Nông sản v.v. Nếu không xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng vụ việc thì vô hình chung Tòa án sẽ trở thành công cụ cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa sử dụng để tẩu tán tài sản.

         PV: Thưa Luật sư, Luật sư có bình luận gì khi Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản cho rằng hành vi tẩu tán tài sản của ông Lê Văn Long và các cộng sự có đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Tội tham ô? 

  Luật sư Lê Ngọc Hoàng: Vấn đề mà Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản đưa ra là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Đơn tố cáo ông Lê Văn Long,Giám đốc Imexco Thanh Hoá lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tham ô đã được gửi tới các cơ quan chức năng
Đơn tố cáo ông Lê Văn Long,Giám đốc Imexco Thanh Hoá lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tham ô đã được gửi tới các cơ quan chức năng

         Căn cứ theo Điều 140 Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì Tội lạm dụng tín nhiệm có các dấu hiệu cơ bản sau đây:

+ Về mặt khách quan: Người phạm tội có hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và kết quả là người phạm tội có quyền về tài sản một cách hợp pháp. Sau khi có tài sản người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ tài sản theo hợp đồng mà có ý chiếm đoạt tài sản đó bằng một trong các thủ đoạn: Gian dối; bỏ trốn; sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

+ Về mặt chủ quan: Người phạm tội có lỗi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm bằng thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm.

         Như vậy, căn cứ theo các dấu hiệu này, thì sau khi nhận thấy mọi chứng cứ khách quan đều buộc phải trả tiền cho Apromaco, Imexco Thanh Hóa (ông Lê Văn Long) đã sử dụng thủ đoạn gian dối giả vờ sẽ trả nợ cho Apromaco trong một thời gian tương đối dài (thông qua Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa), sau đó, đã dùng thời gian này tiến hành các thủ đoạn tẩu tán tài sản nhằm mục đích chiếm đoạn toàn bộ tài sản như trong Hồ sơ vụ việc đã thể hiện. Ngoài Lê Văn Long ra thì còn có hàng loạt các đồng phạm khác đóng vai trò giúp sức như Lê Văn Dũng, Lê Thị Thùy v.v. Do đó, việc Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản cho rằng hành vi của Lê Văn Long và các đồng phạm đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có cơ sở.

         Về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản của Lê Văn Long thì theo Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 cũng đòi hỏi phải được xem xét một cách khách quan.

         Cấu thành tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278, Bộ Luật Hình sự thì gồm các yếu tố sau: Tham ô tài sản là hành vi của người phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lí, tức chiếm giữ tài sản để sử dụng, định đoạt cho riêng mình làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định của nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức mà người đó quản lí.

         Ở đây, ông Lê Văn Long quản lý tài sản trong đó có vốn Nhà nước khi chia tách Công ty (lúc đó vốn Nhà nước chiếm 28,41% vốn Điều lệ). Ông Lê Văn Long đã tự định giá  tài sản bị tách thấp hơn rất nhiều so với thị trường (định giá giá trị tài sản trụ sở Công ty tại số 02 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa) với giá trị là 03 tỷ đồng (thấp hơn rất nhiều giá trị thực tế của tài sản này) mà không tuân theo bất cứ quy trình, thủ tục nào (mặc dù giá trị thực của tài sản trên thời điểm đó theo giá thị trường vào khoảng 30 tỷ đồng). Sau khi định giá rất thấp đối với tài sản trên (tương ứng với phần vốn của con trai ông Lê Văn Long là Lê Văn Dũng và những người thân trong gia đình ông Lê Văn Long), ông Lê Văn Long thực hiện tách Công ty cho con trai và những người thân trong gia đình làm chủ Công ty bị tách (Công ty Cổ phần IMC Thanh Hóa).

Như vậy, chỉ với việc dùng thủ đoạn để tách Công ty, ông Lê Văn Long đã chiếm đoạt của Công ty Cổ phần XNK Thanh Hóa hàng chục tỷ đồng từ việc định giá thấp tài sản và chuyển hết tài sản cho con trai và người thân của mình.

Theo Hồ sơ hiện có, đồng thời với việc tách Công ty, ông Lê Văn Long đã tiến hành thành lập các Công ty con và chuyển nhượng vốn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thanh Hóa từ các công ty con về tay một số cá nhân, cụ thể:

- Ngày 22/6/2015, ông Lê Văn Long lợi dụng chức vụ của mình rút số tiền 6,5 tỷ đồng từ Công ty XNK Thanh Hóa ra thành lập một Công ty con lấy tên là Công ty Cổ phần SXTM Hùng Dũng do con trai Ông Lê Văn Long là Lê Văn Dũng làm Giám đốc (ông Lê Văn Dũng và người thân khác của ông Lê Văn Long cũng là cổ đông Công ty mới này). Tại thời điểm này Công ty Cổ phần XNK Thanh Hóa vẫn là Công ty có vốn nhà nước.

- Sau khi thành lập Công ty con mới một thời gian, ông Lê Văn Long lại chuyển nhượng hết vốn của Công ty Cổ phần XNK Thanh Hóa tại các Công ty con cho cá nhân ông Lê Văn Long, con trai ông Lê Văn Long là Lê Văn Dũng và người thân khác của ông Lê Văn Long. Thủ đoạn này của Ông Lê Văn Long cũng tiến hành tương tự với việc thành lập Công ty Cổ phần phân bón Long Điền.

Từ các phân tích trên, thấy rằng hành vi của ông Lê Văn Long đã có dấu hiệu phạm tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ Luật Hình sự.

Để làm rõ các nội dung này, cần phải có sự tham gia quyết liệt, công tâm từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng và một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao những hành vi của ông Lê Văn Long như vậy vẫn qua mắt nhiều cơ quan chức năng, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản một cách công khai như vậy? Đây cũng là một câu hỏi lớn, đòi hỏi phải được trả lời một cách thẳng thắn, khách quan từ phía Cơ quan Điều tra khi nhận được thông tin.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!  

Đọc thêm