Mạnh tay với xe quá đát

(PLO) - Hiện nay, con số phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường phố là quá lớn so với mật độ dân cư. Trung bình, cứ mỗi ngày lại có trên 10 ngàn ô tô đăng kí mới. Chỉ tính riêng TP HCM, hiện có trên 9 triệu phương tiện đang lưu thông. TP HCM cũng là địa phương có mật độ phương tiện giao thông trên đầu người gần như cao nhất thế giới. Trong số này, con số phương tiện quá hạn cũng chiếm đang kể. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Cục Đăng kiểm, kể từ 1/1/2018, sẽ có trên 24.400 ôtô, trong đó có hơn 2.600 xe khách và 21.800 xe tải hết hạn sử dụng. Trên thực tế, số xe máy, xe tải, ô tô và các phương tiện khác quá hạn lâu năm đang lưu thông trên địa bàn thành phố  là không ít.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc xe máy cũ nát, mục cả phần sườn, hoặc một chiếc xe khách cũ kĩ bốc khói mù mịt lưu thông trên đường phố tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường là một chuyện, đáng ngại hơn là các phương tiện cũ kĩ có nguy cơ gây tai nạn rất cao.

Thời gian qua, không ít xe quá đát, xe trốn đăng kiểm gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Trong số đó, có những xe trốn đăng kiểm tận 2, 3 năm vẫn lưu hành. Một vấn nạn khác là xe sử dụng đăng kiểm giả hoặc xe quá đát được lên đời để qua mặt đăng kiểm. Đây chính là các “hung thần” đường phố, rình rập gây tai nạn cho người lưu thông trên đường bất cứ lúc nào. 

Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã có động thái nhằm “mạnh tay” với xe quá đát, và trong phạm vi ô tô, xe tải. Theo đó, sau 1/1/2018, nếu phát hiện ôtô hết niên hạn sử dụng vẫn lưu thông thì chủ xe sẽ bị lập biên bản, đình chỉ lưu hành xe, tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời là sự phối hợp với các trạm đăng kiểm để tăng cường kiểm soát các phương tiện giao thông.

Về phần xe ô tô thì không quá khó, nếu có động thái quyết liệt. Tuy nhiên, đối với xe máy, việc thu hồi xe quá đát là cả một câu chuyện khá gian nan mà ở đó còn có cả sự du di của cái tình, khi mà phương tiện quá đát phần nhiều gắn với mưu sinh của rất nhiều người nghèo, đời sống khó khăn. Đã có một thời gian, tranh cãi bùng lên quanh các đợt ra quân thu hồi xe quá đát của các thành phố lớn. 

Nói cho cùng, dù lý do gì, việc “thả nổi” cho xe quá đạt lưu thông trên đường vẫn là tiền đề cho nhiều tiêu cực khác phát sinh. Cái nghèo, cái khó không thể là lý do chính đáng cho việc chậm thu hồi các phương tiện quá tuổi sử dụng, gây ô nhiễm và có nguy cơ gây tai nạn bất cứ lúc nào. Sau ô tô, có lẽ cần thêm một chiến dịch “mạnh tay” với xe máy quá đát, có như thế mới hy vọng giảm tải môi trường, phần nào đem lại bình yên cho giao thông đô thị.