Nguyên Chủ tịch TP Vũng Tàu cùng thuộc cấp hầu tòa vì tiếp tay cho doanh nghiệp sai phạm

(PLO) - Trong hai ngày qua, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại dự án Metropolitan (TP Vũng Tàu) do Công ty cổ phần Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, trong số 8 bị cáo có nguyên chủ tịch và phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Lừa đảo dưới hình thức góp vốn

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Địa ốc An Khang (Công ty An Khang) được các bị cáo Ngô Thị Minh Phượng (nguyên Chủ tịch HĐQT) và Trần Quý Dương (thành viên HĐQT) thành lập năm 2008 với mục đích góp vốn lập dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, TP Vũng Tàu (dự án Metropolitan), dự kiến rộng khoảng 43ha, tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng.

Mặc dù các bị cáo chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với 43ha đất và chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện dự án (chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp giấy phép xây dựng…) nhưng đầu năm 2011, Công ty An Khang đã làm lễ động thổ, khởi công, quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhằm huy động vốn. 

Cáo trạng truy tố cáo buộc việc huy động vốn của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn của Công ty An Khang, thực chất là bán nền đất ở. Trong thời gian từ tháng 12/2010 đến tháng 12/2013, các bị cáo đã ký 321 hợp đồng góp vốn (287 khách hàng), huy động hơn 400 tỷ đồng. Theo hợp đồng, sau 24 tháng Công ty An Khang phải bàn giao đất nền cho khách hàng nhưng đến hạn không có đất giao. Số tiền hơn 400 tỷ đồng đã thu của khách hàng, công ty này sử dụng hơn 24 tỷ đồng thuê thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, trả tiền cho các nhà môi giới bán sản phẩm dự án, phần còn lại bị cáo Phượng chiếm hưởng hơn 269 tỷ đồng, bị cáo Dương được chia hơn 116 tỷ đồng. Cả hai sử dụng vào mục đích tiêu dùng cá nhân.

Ngoài Phượng và Dương, bị cáo Đỗ Thùy Linh (con gái Phượng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty An Khang) và chồng là Vương Quốc Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc) cũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hải đã mất trước khi vụ án được đưa ra xét xử nên cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ điều tra với bị cáo này.

Dàn cán bộ tiếp tay cho doanh nghiệp 

Trong quá trình thực hiện dự án Metropolitan, theo quy định của pháp luật về đất đai, Công ty An Khang phải tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Bị cáo Phượng tìm nhờ cơ quan chức năng và được các cán bộ TP Vũng Tàu giúp sức. Nhóm cán bộ này bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Cụ thể, các bị cáo Vũ Quốc Tuấn (nguyên Trưởng phòng TN&MT TP Vũng Tàu) và thuộc cấp Nguyễn Trung Quốc đã không thẩm định, kiểm tra theo quy định nhưng vẫn trình hồ sơ lên UBND TP Vũng Tàu. Sau đó các bị cáo Phan Hòa Bình (nguyên Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) và Trương Văn Trí (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu) đã ký quyết định cho Công ty An Khang chuyển đổi mục đích sử dụng gần 87.000m2 thành đất ở trái quy định. Việc làm này đã tạo điều kiện cho bị cáo Phượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người.

Cáo trạng của VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cáo buộc Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị) đã không kiểm tra quy hoạch chi tiết liên quan đến dự án của Công ty An Khang. Đặc biệt phần đất chuyển đổi mục đích trái quy định nêu trên có phần diện tích đất công của Nhà nước và đất ở ổn định của nhiều hộ dân. Sơn đã không thẩm định hiện trạng đất nhưng vẫn ký báo cáo thẩm định để bị cáo Bình ký phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Công ty An Khang. 

Chỉ thừa nhận thiếu sót

Tại phiên tòa, bị cáo Phượng trình bày sau khi được tại ngoại đã tiến hành làm việc với 287 khách hàng. Đến nay có 211 hợp đồng đã thanh lý, khách hàng đã nhận được tiền, 62 người hiện đang chờ nhận đất nền, 14 người chưa đồng ý do đòi nhận tiền lãi phát sinh và một số khách hàng không liên lạc được. 

Bị cáo Phượng thừa nhận quá trình triển khai dự án có sai khi còn thiếu một số thủ tục hành chính, huy động vốn sớm hơn quy định nhưng không lừa đảo: “Sau khi được phê duyệt quy hoạch 1/500, công ty tổ chức động thổ dự án, quảng cáo công khai tới khách hàng là đúng quy định. Bị cáo nghĩ chỉ chịu trách nhiệm dân sự”, Phượng nói trước tòa và cho rằng cáo trạng truy tố không đúng bản chất sự việc. Theo đó, trước khi ký kết hợp đồng huy động vốn với khách hàng, công ty của Phượng đã tiến hành xong một số thủ tục pháp lý. Chẳng hạn như được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, xin thỏa thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500...

Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty An Khang biện hộ, việc bị kê biên tài sản đã ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Phượng nói muốn được tiếp tục thực hiện dự án để trả lại quyền lợi cho người dân. Còn bị cáo Linh khai dù là Tổng Giám đốc công ty nhưng bị cáo không nắm rõ sự việc, chỉ nghe theo chỉ đạo của mẹ và ký hợp đồng khi nhân viên kinh doanh đưa cho.

HĐXX nhận định cáo trạng quy kết các bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty An Khang bị truy tố phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng. Bởi dù công ty đã mua gom đất theo quy định pháp luật nhưng chưa được công nhận chủ quyền, hợp đồng mua bán đất có thể vô hiệu. Ngoài ra Công ty An Khang cũng chưa có đất, chưa đủ vốn để triển khai dự án, hoạt động không có báo cáo tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng, công ty từng bị phường 11 xử phạt hành chính.

Về nhóm bị cáo nguyên là cán bộ TP Vũng Tàu đều kêu oan. Bị cáo Bình cho rằng việc ký các quyết định là thực thi nhiệm vụ theo quyền hạn. Còn nguyên Trưởng phòng TN&MT Vũ Quốc Tuấn thừa nhận đã phê duyệt phiếu đề xuất của cấp dưới là bị cáo Nguyễn Trung Quốc: “Khi thấy đầy đủ hồ sơ thì bị cáo ký trình, chuyển cho UBND TP Vũng Tàu để chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, bị cáo Tuấn nói.

Vụ án dự kiến sẽ được xét xử đến ngày 24/7/2018.

Báo PLVN tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm