Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ chiếm đoạt gần 3 triệu USD

(PLO) - Nhận thấy  các bị hại có lời khai mới về số tiền thiệt hại, mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra,  HĐXX  TAND TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung sau 2 ngày xét xử vụ án xảy ra tại Cty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng trang sức quốc tế IG (Cty IG).
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

TAND TP Hà Nội vừa đưa 11 bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh, nhân viên Cty IG ra xét xử về các tội Kinh doanh trái phép, Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gồm: Phạm Đức Tài (SN 1979); Mai Xuân Tú (SN 1950), Tổng Giám đốc Cty  IG; Lưu Công Khánh (SN 1982 - nhân viên Chi nhánh Cty IG tại Thanh Hóa); Lương Trần Hưng (SN 1989, Giám đốc Chi nhánh Cty IG tại Hải Dương)…

Thành lập công ty “ma” để dụ dỗ khách hàng

Theo cáo trạng, đầu tháng 12/2011, Phạm Văn Tài đăng ký thành lập Cty CP Kinh doanh vàng Quốc tế IG (có địa chỉ tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Công ty có vốn điều lệ 20 tỷ đồng do Tài là Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thành lập, tháng 10/2013, công ty trên đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lạng Sơn thu hồi giấy phép kinh doanh do vi phạm Luật Doanh nghiệp.

Tháng 9/2014, Sở KH&ĐT tỉnh Lạng Sơn ra thông báo về việc xóa tên doanh nghiệp do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Cty Kinh doanh vàng Quốc tế IG. Thấy vậy, Tài đã thành lập Cty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng trang sức quốc tế IG (trụ sở chính đặt tại 165 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội). Công ty này, Tài cho anh rể là Nguyễn Ngọc Hải đứng tên đại diện rồi mở các chi nhánh tại Hải Dương, Thanh Hóa và Thái Nguyên.

Quá trình hoạt động Phạm Đức Tài chỉ đạo Lưu Công Khánh đi thuê phần mềm MT4 để thiết lập các giao dịch kinh doanh vàng tài khoản qua mạng cho các khách hàng đầu tư. Nhận lệnh, Khánh đã thuê Vũ Đình Hùng tìm thuê phần mềm MT4 và nhờ Hùng cài đặt thêm chức năng quản trị cho phần mềm này để mình trực tiếp quản lý. Sau đó, Phạm Đức Tài, Lưu Công Khánh với danh nghĩa Cty IG đã thực hiện các hành vi lừa dối khách hàng, chiếm đoạt tiền.

Tài liệu điều tra thể hiện, họ đã thuê máy chủ và phần mềm của đối tác ở Nga, đồng thời thiết lập công ty “ma” tên là NAPMIG (một công ty nước ngoài chuyên kinh doanh sàn vàng không có thật). Sau đó, quảng bá Cty IG là công ty môi giới của Công ty NAPMIG, tác động đến một số tài khoản tạo ra lợi nhuận nhằm mục đích tạo lòng tin với khách hàng, thu hút khách hàng đầu tư để chiếm đoạt tài sản của khách hàng tham gia các giao dịch ngoại tệ và kinh doanh vàng và qua tài khoản. 

Chiếm đoạt gần 3 triệu USD

Tài liệu điều tra thể hiện, các bị cáo đã tổ chức các lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu cho khách hàng Cty IG là đại lý môi giới của NAPMIG; Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển tới NAPMIG, Cty IG chỉ hưởng tiền phí. Việc kinh doanh lỗ hay lãi là giữa nhà đầu tư và NAPMIG, Cty IG không liên quan. Sau đó, họ hướng dẫn khách hàng tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản. Mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (tương đương 55 triệu đồng) và 5.000 USD (tương đương 110 triệu) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.

Ngoài ra, khách hàng có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu... Khi khách hàng nộp tiền, Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền thể hiện số tiền được chuyển đến Cty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Nhân Đôi để khiến họ tưởng IG là công ty môi giới. Từ năm 2013 đến năm 2015, có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. CQĐT xác định, hiện IG đã chiếm đoạt của khách hàng gần 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng). Số vàng miếng đã được tiến hành giao dịch thông qua việc mua bán trái phép khoảng 4.000 lượng.

Mới đây, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Có mặt tại tòa, có bị hại trình bày, họ đã nộp gần 4 tỷ đồng vào tài khoản. Ban đầu lãi “khủng khiếp”, nhưng chỉ sau 1 – 2 lần thì tài khoản báo lỗ liên tục, nhân viên công ty hối hả nói phải nộp thêm tiền nếu không sẽ “cháy tài khoản”. Tin tưởng, chủ các tài khoản vội vã đi vay mượn, cầm cố nhà để nộp thêm tiền vào tài khoản. 

Một bị hại cho biết, họ nộp tiền nhiều lần đến nỗi không nhớ hết đã nộp bao nhiêu tiền. “Tâm lý đâm lao phải theo lao vì nhân viên công ty luôn hứa hẹn nộp tiền vào sẽ gỡ gạc được nên chúng tôi cứ thế nộp tiền”- một bị hại nói. 

Do các bị hại bất ngờ có lời khai mới về số tiền thiệt hại. Con số này chênh lệch so với lời khai tại cơ quan điều tra, sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ số tiền các bị hại nộp vào tài khoản công ty, đồng thời đề nghị làm rõ một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Đọc thêm