Sự việc người dân nhiễm HIV tại Tân Sơn, Phú Thọ: Cần hiểu đúng, hiểu rõ về HIV

(PLO) - Nhiều người dân tại xã nghèo Kim Thượng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) bỗng dưng phát hiện bị nhiễm HIV mà không biết nguyên nhân từ đâu khiến cho nhiều người vô cùng hoang mang, lo lắng về sự lây lan của căn bệnh này. 
Trạm y tế xã Kim Thượng - nơi xã có nhiều người dân nhiễm HIV.
Trạm y tế xã Kim Thượng - nơi xã có nhiều người dân nhiễm HIV.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho rằng nếu người dân biết được bệnh của bản thân và hiểu đúng về sự lây truyền của bệnh, từ đó có cách phòng tránh thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng không cao. Đồng thời, với người bệnh HIV, nếu điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh, khi tải lượng vi rút xuống thấp sẽ không gây lây nhiễm cho người khác.

Không nên hoang mang

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, qua hệ thống giám sát thường xuyên những năm gần đây, xã Kim Thượng huyện Tân Sơn, Phú Thọ mỗi năm phát hiện một vài ca nhiễm HIV. Trường hợp nhiễm đầu tiên ở xã xảy ra vào năm 2012, nhưng từ năm 2017 tăng nhanh. Giữa năm 2018, có một người bệnh trong xã Kim Thượng tử vong do HIV khi điều trị tại bệnh viện.

Vì vậy, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức điều tra, nghiên cứu chuyên biệt, cử đoàn về Kim Thượng khảo sát, lấy 490 mẫu máu của những người dân địa phương để xét nghiệm và phát hiện được 42 ca dương tính với HIV. Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng về mặt dịch tễ tại xã có khá nhiều vấn đề cần phải chú ý, đoàn đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu để báo cáo rõ thêm.

Người nhiễm HIV ở Kim Thượng chiếm phần lớn là phụ nữ (26/42), trong chung cả nước thì tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV chiếm 1/3 tổng số ca. Hơn nữa, độ tuổi của những bệnh nhân nhiễm HIV ở xã này cũng khá lạ, có nhiều cháu còn rất nhỏ (18 tháng), ngược lại có cụ 80 tuổi cũng mắc bệnh.

Không phải mọi kim tiêm dính máu đều có thể lây nhiễm HIV.
Không phải mọi kim tiêm dính máu đều có thể lây nhiễm HIV.

Trong khi đó, điều đáng sợ nhất đối với người nhiễm HIV chính là sự kỳ thị, điều này còn sợ hơn cả cái chết. Bởi, người nhiễm HIV thường sẽ bị kỳ thị, xa lánh, bị cô lập trong xã hội. Tức là đi bất kỳ nơi nào mà người ngoài biết họ mang bệnh HIV, thì họ đều bị nhìn bằng ánh mắt coi khinh. Đó là chưa kể người bệnh cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, khi bị chồng (vợ) con nghi ngờ hoặc sống phải “nép mình” vì sợ lây nhiễm cho người thân khác.

Đại diện Cục Phòng chống HIV AIDS cho rằng, trước hết, những sai lầm trong truyền thông trước đây đã vô tình đẩy bệnh nhân HIV vào chỗ “đây là bệnh tử thần”, người dân hiểu rằng, HIV là chết, HIV là do mại dâm, là do ma túy và nhiều điều xấu xa khác. Cộng đồng kỳ thị, đóng kín cánh cửa không giao lưu với người nhiễm HIV, phẩm giá của họ bị chà đạp nghiêm trọng.

Về phía bệnh nhân HIV và ngay cả với người thân, họ chưa được tư vấn tâm lý một cách kỹ càng, khi đối diện với một chấn thương tâm lý lớn như bị nhiễm HIV, hầu hết đều sụp đổ. Không riêng HIV, những người bệnh nan y như ung thư nếu không cải thiện về mặt tâm lý và sống lạc quan thì rất nhanh chóng suy sụp và tử vong. Ngược lại, nếu duy trì được trạng thái tâm lý tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe trong thời gian dài.

Do đó, trước khi có câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng, người dân cần hiểu đúng để không có tâm lý hoang mang. Bởi hiện nay, rất nhiều người dân trong xã Kim Thượng đang tự kỳ thị với chính bản thân mình hoặc bị cộng đồng kỳ thị và sự kỳ thị đó có thể giết chết họ nhanh hơn cả vi rút HIV.

Lây truyền không chỉ từ một mũi tiêm

Ông Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm: “Để trấn an người dân, Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã quyết định tuyên truyền vấn đề để người dân hiểu rõ không quá hoang mang. Bởi nhiễm HIV là không ai mong muốn, nhưng nếu điều trị kịp thời, người bệnh vẫn sống khỏe mạnh. Người bệnh được cấp phát thuốc điều trị 3 tháng một lần, điều trị ngay tại gia đình.

Khi điều trị theo chỉ định, tải lượng vi rút xuống thấp sẽ không gây lây nhiễm cho người khác và vẫn có thể sinh con”. Đáng nói là tại đây khi tiếp xúc điều tra thì nhiều người không hề biết mình nhiễm HIV. Điều nguy hiểm nhất với dịch HIV là có bệnh nhân, có dịch mà không biết, nguy cơ lây lan rất mạnh.

Cùng với đó, HIV lây nhiễm qua nhiều con đường như đường máu, quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con chứ không chỉ riêng qua đường máu, bơm kim tiêm, tiêm chích. HIV cũng có thể lây qua tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày nếu có vết thương hở. Người nhiễm HIV khi bị thương nếu người cấp cứu không biết, không có biện pháp đảm bảo an toàn cũng có nguy cơ nhiễm trong quá trình cấp cứu...

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, lây truyền HIV qua con đường tiêm chích ma túy là hình thái lây truyền chủ yếu trong đại dịch HIV/AIDS cách đây 10 năm, ước tính có đến 80-90% lây qua bơm kim tiêm ở những người sử dụng ma túy. Họ dùng 1 bơm kim tiêm duy nhất để lấy thuốc và chích cho nhau tại cùng trong 1 thời điểm nên virus HIV sẽ lây trực tiếp cho người khác.

Tuy nhiên, với những bơm kim tiêm đã sử dụng có dính máu vứt ngoài môi trường, nếu không may bị giẫm vào, bị đâm, thì xác suất nhiễm HIV thấp hơn. TS Cường cho biết, xác suất lây truyền HIV qua bơm kim tiêm chỉ 0,3% và không phải tất cả mũi tiêm đều có thể gây lây nhiễm. Virus HIV trong bơm kim tiêm có thể sống 5 ngày trong môi trường, còn nếu lâu hơn thì khó có thể lây nhiễm.

Đọc thêm