Gia Lai: Tạm giam thiếu phụ 5 năm vẫn chưa thể kết được tội

(PLO) - Báo PLVN nhận được đơn kêu oan của vợ chồng ông Lê Việt Thôi, bà Nguyễn Thị Kim Sơn (số 06, phố Thống Nhất, phường Hội Thương, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho con gái là Lê Thị Tường Vân (SN 1978) bị VKSND tỉnh Gia Lai truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, bị tạm giam từ tháng 5/2010. Sau gần 5 năm bị giam giữ và 6 lần xử án, tội danh của bị cáo vẫn chưa được xác định rõ ràng. 

Bị cáo Lê Thị Tường Vân tiếp xúc với luật sư trong quá trình điều tra.
Bị cáo Lê Thị Tường Vân tiếp xúc với luật sư trong quá trình điều tra.
Vay 15 tỉ đồng tiền mặt trong 3 tiếng đồng hồ
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Gia Lai, Lê Thị Tường Vân bị 3 người (bao gồm Nguyễn Thị Phượng Tường, Huỳnh Thị Thúy Vân, Hồ Thị Xuân Dung, đều có HKTT tại Gia Lai) tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt của họ số tiền lên tới hơn 15 tỉ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác minh được trước đây 3 người và bị cáo có quan hệ vay mượn tiền nhưng đều đã trả đủ. Lần cuối cùng 3 người bị hại cho Tường Vân vay hơn 15 tỉ đồng (ngày 6/11/2009) với lý do vay  để nhập ô tô bán… tết. Sau đó vài ngày, 3 bị hại biết được Vân đã vỡ nợ, không đủ khả năng trả số nợ nên đã làm đơn tố cáo Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
Mặc dù trước tòa bị cáo Tường Vân khai mối quan hệ của họ chỉ là vay tiền lấy lãi ngày, toàn bộ số tiền bị cáo vay được đã cho Nguyễn Thị Thùy Dương vay lại, hưởng chênh lệch, nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Gia Lai cho rằng không có cơ sở để chứng thực những điều bị cáo đã khai nên không khởi tố, bắt giam Nguyễn Thị Thùy Dương, chỉ xác định vai trò của Thùy Dương trong vụ án này là “người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”. 
Tòa sơ thẩm yêu cầu VKSND tỉnh Gia Lai tiến hành thực nghiệm việc vay trên 15 tỉ đồng trong 3 tiếng đồng hồ. Quá trình thực nghiệm được tiến hành như sau: số tiền hơn 15 tỷ được chuẩn bị bằng tiền giả và được đặt sẵn trên mặt bàn tại 3 nhà, chỉ chờ người vay đến lấy đi. Thời gian thực nghiệm vừa khít so với cáo trạng truy tố (3 tiếng). Trên cơ sở đó, phiên toà sơ thẩm lần 1 tuyên bị cáo Vân 15 năm tù, phiên sơ thẩm lần 2, vẫn với những chứng cứ cũ, cộng thêm tình tiết (cho rằng) vợ chồng bị cáo Tường Vân cố tình tẩu tán tài sản để trốn nợ, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bị cáo Vân 19 năm tù giam. 
Nhiều khuất tất trong bản án sơ thẩm
Theo bị cáo Tường Vân khai, bị cáo vẫn vay tiền trả lãi ngày của 3 người bị hại. Giấy tờ vay mượn tiền ghi ngày 6/11/2009 là giấy tờ để chốt số nợ Vân đã vay của 3 người, đồng thời mặt sau của tờ giấy chốt nợ Vân còn ghi rõ số tiền lãi phải trả cho từng người. Tuy nhiên, chữ viết thể hiện số  tiền trả lãi này đã bị xóa. 
Vấn đề vụ án Tường Vân có thể là quan hệ dân sự được TAND TC đề cập trong bản án phúc thẩm
Vấn đề vụ án Tường Vân có thể là quan hệ dân sự được TAND TC đề cập trong bản án phúc thẩm 
Trong phiên xử phúc thẩm lần 1, TAND Tối cao tại Đà Nẵng cũng nhận định “việc 3 bị hại khai bị cáo vay tiền của mình trong 3 tiếng buổi sáng ngày 6/11/2009 có nhiều mâu thuẫn và chưa được làm rõ”. Và tòa Tối cao cũng đặt ra câu hỏi “Với khối lượng tiền lớn như vậy tại sao không cất nơi kín đáo mà để sẵn trên bàn tại phòng khách”? Tòa Tối cao cũng nhận định: “Mặc dù đã được tiến hành thực nghiệm điều tra việc giao nhận tiền tại 3 địa điểm là gia đình các bị hại và việc thực nghiệm này cũng theo lời khai của các bị cáo, tuy nhiên, lời khai của 3 người bị hại có nhiều điểm chưa rõ ràng”. 
Ngoài ra, TANDTC còn nhận định: “Xem xét các nội dung tin nhắn của những người bị hại sau ngày 9/11/2009 cho bị cáo Vân thì thấy không có nội dung nào đề cập đến lô hàng ô tô bán tết mà chỉ khuyên Vân dàn xếp, tìm hướng giải quyết bớt món nợ cho những người bị hại”. Như vậy có thể thấy, lời khai của 3 bị hại có vấn đề khuất tất. 
Cũng trong phiên tòa phúc thẩm lần 1, TANDTC nhận định:  “Những nội dung tin nhắn của bị cáo Tường Vân gửi cho Thùy Dương và ngược lại, từ ngày 6/11/2009 đến ngày 14/11/2009 hay những con số tính toán trong ngày 2/11/2009 do chính Thùy Dương ghi trên tờ lịch chưa thể nói Thùy Dương không liên quan đến số tiền nợ hiện tại của bị cáo”. Như vậy, việc các cơ quan tố tụng tỉnh Gia Lai “loại” Thùy Dương ra khỏi vụ án bị tố là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này là không thỏa đáng. 
Điều đáng nói là tại phiên phúc thẩm lần 1, TANDTC cũng đã xác định: “Điều quan trọng cần phải xem xét đánh giá các chứng cứ một cách khách quan để xác định Lê Thị Tường Vân đã chiếm đoạt số tiền 15 tỉ đồng nói trên hay chỉ là quan hệ về dân sự”. Đây chính là yếu tố lớn nhất để cho thấy việc bắt tạm giam, truy tố đối với bị cáo Tường Vân có đúng hay không nhưng vẫn không được các cơ quan tố tụng tỉnh Gia Lai xem xét trong phiên xử tiếp theo.  
Không đủ chứng cứ buộc tội?
Cấp sơ thẩm xác định bị cáo trong một ngày đã vay của 3 bị hại với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng với hàng loạt thủ đoạn gian dối, đưa thông tin không đúng sự thật như vay tiền để mua khoảng 20 chiếc ô tô (cho cty do chồng bị cáo làm Giám đốc) và chuyển dịch tài sản của mình cho người thân trong gia đình trước khi đến vay tiền. Từ nhận định này, án sơ thẩm tuyên bố Lê Thị Tường Vân phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Vụ án Tường Vân có thể là quan hệ dân sự được TAND TC đề cập đến trong bản án phúc thẩm.
 Vụ án Tường Vân có thể là quan hệ dân sự được TAND TC đề cập đến trong bản án phúc thẩm.
Nhưng Tòa phúc thẩm nhận định “án sơ thẩm tuyên bố Vân phạm tội chiếm đoạt tài sản là chưa đủ căn cứ vững chắc”, bởi lẽ tại giấy mượn tiền của bị cáo mượn của bà Huỳnh Thị Thúy Vân số tiền 4,6 tỉ đồng ghi ngày 6/11/2009, phía sau tờ giấy mượn tiền có ghi 34.500 cộng với 5.000 là 39.500. Tài liệu này chưa được giám định là chữ của ai. Nếu là chữ của bị cáo thì có phải đây là số tiền bị cáo trả lãi theo kỳ cho bà Huỳnh  Thị Thúy Vân. 
Bảng kê trả lãi của bị cáo ghi rõ: “Ngày 16/9/2009 4.600.000.000 x25x3 ngày= 34.500”. Đối với số ghi 5.000 tiền hụi phù hợp với  tin nhắn từ số điện thoại của bà Huỳnh Thị Thúy Vân lúc 2h22 ngày 5/11/2009 có nội dung “sẵn đem tiền hụi 5 triệu cô luôn” cũng cần được giám định, điều tra, làm rõ. 
Bản án phúc thẩm cũng xác định: Bù trừ, cân đối qua chuyển khoản, bà Dương còn nợ bị cáo Vân hơn 19 tỉ đồng. Cần điều tra làm rõ số tiền hơn 19 tỉ đồng này, vì sao lại có sự trùng khớp với bảng kê của bị cáo Vân; đồng thời cũng cần xác minh lời khai của bà Dương rằng đã chấm dứt quan hệ làm ăn với bị cáo từ tháng 10/2009 và không còn nợ bị cáo. Đây chỉ là lời khai của bà Dương, không có tài liệu nào để chứng minh. 
Trên những cơ sở đó, TANDTC đánh giá, cấp sơ thẩm chỉ tập trung đánh giá chứng cứ để kết tội bị cáo Vân chủ yếu dựa trên lời khai của các bà Phượng Tường, Huỳnh Thị Thúy Vân, Thùy Dương mà không xem xét, đánh giá những chứng cứ vật chất mà bị cáo Tường Vân cung cấp, không xác định tính liên quan giữa lời khai của bị cáo Vân, nội dung trên các tài liệu do bị cáo Vân cung cấp và tài liệu do ngân hàng cung cấp thể hiện việc chuyển tiền qua tài khoản giữa bị cáo Vân và bà Dương. Việc mượn tiền qua lại giữa các bị hại, bị cáo và bà Dương là có liên quan đến nhau. Tách 2 quan hệ vay mượn nói trên làm cho việc đánh giá, xác định hành vi phạm tội của bị cáo Vân là chưa đủ tính khách quan. 
Thêm một lần nữa, TANDTC đề cập đến việc Tường Vân nợ 3 bị hại  trên 15 tỉ đồng có thể là thỏa thuận dân sự, cần phải được làm rõ. Thiết nghĩ, các cơ quan tố tụng tỉnh Gia Lai cần phải để ý đến những vấn đề mà TANDTC đã đề cập, tránh tình trạng cấp sơ thẩm cứ kết tội, cấp phúc thẩm lại tiếp tục hủy án khiến vụ án kéo dài không có lối thoát, dẫn đến việc đẩy người vô tội vào con đường tù tội./.