'Người hùng' của phụ nữ và trẻ em

(PLO) - Giải thưởng “Midwives4all” vừa được trao tại Hà Nội. Trong số hàng nghìn nữ hộ sinh trên thế giới, chị Phan Thị Hạnh – Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng cao quý này, vì những nỗ lực, đóng góp không biết mệt mỏi cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Bà Phan Thị Hạnh nhận danh hiệu giải thưởng từ Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander.
Bà Phan Thị Hạnh nhận danh hiệu giải thưởng từ Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander.

Trải nghiệm khó quên trong sự nghiệp cứu người

Đến thành phố Huế mộng mơ, ngàn năm văn hiến hỏi nữ hộ sinh (NHS) Phan Thị Hạnh ai cũng biết bởi gia đình chị có 4 người thì cả 4 đều gắn với nghiệp y. Chồng chị Hạnh là bác sỹ chuyên ngành giải phẫu bệnh, hiện là Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh Viện Trung ương Huế. Nối nghiệp cha, con trai chị quyết tâm học bác sỹ chuyên ngành ung thư, còn cô con gái là bác sỹ sản khoa theo ngành của mẹ.

Sinh năm 1953, chị Hạnh theo học Trường NHS Quốc gia Huế từ trước ngày miền Nam giải phóng (1975). Tốt nghiệp thủ khoa nên chị được trường giữ lại làm giảng viên.

Sau năm 1975, chị được Sở Y tế Thừa Thiên  - Huế  điều lên công tác tại Bệnh viện huyện miền núi Nam Đông. Sau gần 2 năm công tác ở đây, chị được Sở Y tế điều về làm  công tác truyền thông giáo dục y tế  tại Phòng Truyền thông - Giáo dục y tế .

Đến năm 1979, chị lại được phân công giảng dạy tại trường Trung học Y tế Huế. Sau 10 năm công tác ở trường, chị lại được chuyển về Sở Y tế tỉnh làm công tác đối ngoại và phụ trách mảng truyền thông giáo dục sức khỏe. Với những thành tích cao trong công tác, năm 1995, chị được bầu làm Chủ tịch Hội NHS Việt Nam và giữ chức vụ đó cho đến nay...

Trong thời gian công tác ở Bệnh viện Nam Đông, chị Hạnh cho biết, chị đã thấu hiểu những khó khăn của một NHS công tác ở những vùng khó khăn, cũng như những thiếu thốn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) của chị em phụ nữ ở các vùng đó. Chính vì lẽ đó, chị luôn quan tâm đến phụ nữ và chị em hộ sinh đang công tác ở vùng sâu, vùng xa. 

Có một câu chuyện mà suốt đời chị không thể quên. Thời điểm đó, cả Khoa Sản của bệnh viện chỉ có chị và một cô NHS sơ cấp.  Khoảng 2h đêm, một sản phụ được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch. Sau khi thăm khám,  thấy bệnh nhân có những dấu hiệu của vỡ tử cung, chị Hạnh đã quyết định chuyển sản phụ về Bệnh viện Trung ương Huế để mổ lấy thai.

Không may, trời đổ cơn giông lớn khiến đoạn đường từ Nam Đông về Huế bị đất đá từ trên núi đổ xuống nên không một chiếc ô tô nào có thể qua được.

Trong tình thế nguy cấp đó, chị đã quyết định lấy môt chiếc võng gánh sản phụ ra đường cái để đón xe về bệnh viện tuyến trên. Vì không có người nên chị với cô đồng nghiệp và chồng của sản phụ phải thay nhau gánh sản phụ vượt qua 25 km đường rừng để ra đường cái. Đón được xe ba người mừng “như bắt được vàng”, niềm vui càng nhân lên gấp bội khi sản phụ được cứu sống. Và một bé trai kháu khỉnh đã chào đời trong niềm hạnh phúc đến tột cùng của ba người. 

Cùng với những niềm vui, chị Hạnh cũng tâm sự, có những câu chuyện buồn đeo đẳng chị và các đồng nghiệp khôn nguôi. Chị cảm thấy day dứt nhất là trường hợp một người nhà của sản phụ phải đi bộ suốt 7km đường rừng núi để mời chị đến nhà đỡ đẻ. Lúc đó trời đã chạng vạng tối, chị và nữ đồng nghiệp cùng với người nhà phải lội qua một con suối và đi bộ 7 cây số để đến nhà sản phụ, nhưng khi đến nơi thì đã nghe những tiếng khóc ai oán từ trong nhà vọng ra. Thì ra sản phụ đã chết vì không thể chờ đợi được...

Câu chuyện thật đáng buồn nhưng nó lại hé mở cho các chị một kinh nghiệm xương máu: “Ở những vùng xa xôi, nơi các phương tiện đi lại khó khăn thì nguy cơ tai biến của sản phụ càng cao trong những ca cần phải chuyển tuyến gấp. Nhưng nếu người nhà của sản phụ hoặc sản phụ này có kiến thức về làm mẹ an toàn thì khi họ thấy có dấu hiệu nguy cơ, họ sẽ lập tức đưa sản phụ đến bệnh viện thay vì phải lặn lội đường sá xa xôi đến tận cơ sở y tế mời bác sĩ hay NHS đến nhà. Do đó việc chuyển lên tuyến trên kịp thời là vô cùng quan trọng…” – chị Hạnh khẳng định.  

Tri ân những đóng góp không mệt mỏi

Chị Hạnh cho hay, từ năm 1995 đến nay, Hội đã xây dựng rất nhiều dự án, đa số các dự án đều tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa. Trong đó phải kể đến Dự án “Thiết lập mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ và nâng cao năng lực cho hộ sinh tuyến cơ sở”.

Dự án gồm 3 hoạt động chính: “Xây dựng Trung tâm tư vấn và dịch vụ sức khỏe sinh sản”; tổ chức các lớp đào tạo cho các nữ hộ sinh đang công tác ở vùng sâu, vùng xa để họ được nâng cao, cập nhật kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho cộng đồng (năm 2015, Hội đã đào tạo được 78 NHS ở các trạm y tế của các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa). Đặc biệt, Hội đã thành lập được một đội khám lưu động gồm 3 bác sĩ và 12 NHS. Mỗi tháng, đội khám lưu động sẽ về các vùng khó khăn từ 1-2 lần cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, siêu âm và phát thuốc miễn phí cho phụ nữ, vị thành niên, thanh niên… 

Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Hội NHS Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sáng kiến làm mẹ an toàn và Chiến lược Chăm sóc SKSS của nước ta, đặc biệt trong việc cải thiện SKSS cho phụ nữ, vị thành niên, thanh niên tại những vùng xa xôi hẻo lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Cũng từ đây, vai trò, vị trí của NHS cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Những tai biến sản khoa cũng sẽ giảm đi một cách đáng kể. Và hơn ai hết, Phan Thị Hạnh – vị cứu tinh của phụ nữ và trẻ em nghèo đã trở thành “người hùng” của Việt Nam, cũng như trong khu vực và quốc tế vì những nỗ lực, đóng góp không biết mệt mỏi cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.