10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2010

Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, 2010 là một năm khá "bộn bề" của kinh tế toàn cầu, cho dù cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm đã qua đi.
Kinh tế thế giới năm 2010 nhiều sáng tối
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, 2010 là một năm khá "bộn bề" của kinh tế toàn cầu, cho dù cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm đã qua đi.


Bên cạnh những điểm sáng vẫn còn không ít khoảng tối, khiến bức tranh tổng thể của kinh tế thế giới trở nên đa dạng, khó nắm bắt. Dưới đây là những sự kiện chính trong năm qua.

1. Lục địa già "oằn mình" trong bão nợ
Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ vào cuối năm 2009 tại Hy Lạp đã lan sang các nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong năm 2010. Sau Hy Lạp và Ireland, các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Italia được dự báo có thể là những nạn nhân tiếp theo. Nhiều quốc gia châu Âu đã phải tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," gây ra làn sóng bất bình trong dân chúng.

Các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn do sự tháo chạy ồ ạt của các nhà đầu tư. Đã có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về sự tồn vong của đồng tiền này. Trong khi đó, lợi suất các món nợ chính phủ của các nước lân cận khu vực đồng Euro đang leo cao chót vót do các nhà đầu tư thực sự không hiểu rõ sự rủi ro.

2. Gió đông thổi bạt gió tây

Trái ngược lại với tình cảnh bi đát ở châu Âu, các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có một năm tăng trưởng ngoạn mục và trở thành động lực của sự tăng trưởng toàn cầu. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh.

Ngân hàng Thế giới tăng quyền bỏ phiếu tại thể chế này cho các nền kinh tế mới nổi thêm 3,13%, lên 47,19%. Trong khi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiến hành một số cải tổ mang tính lịch sử, theo đó đến năm 2012 sẽ chuyển 6% quyền bỏ phiếu trong cơ quan này của các nền kinh tế phát triển sang cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

3. Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản

Hôm 16/8, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố, GDP quý 2 của xứ sở mặt trời mọc chỉ đạt 1,29 tỷ USD, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,34 tỷ USD theo thống kê được công bố trước đó của Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi của Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Các con số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc cho thấy, nước này đang thay đổi toàn diện, từ sức mạnh quân sự tới tài chính trên toàn cầu. Trung Quốc đã là nhà nước xuất khẩu lớn nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất và ảnh hưởng trên toàn cầu ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, Trung Quốc vẫn chỉ là nước “đang phát triển” về kinh tế và việc vượt qua Nhật Bản “chỉ mang tính biểu tượng mà thôi”.

4. Mỹ tiếp tục in tiền

Nền kinh tế đầu tàu thế giới suýt rơi vào suy thoái kép trong năm 2010, nhưng may mắn thoát khỏi nguy cơ này. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế vẫn yếu ớt, chưa đủ sức giảm bớt tình trạng thất nghiệp đang ở mức cao ngất ngưởng.

Để hỗ trợ kinh tế, Mỹ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tín dụng, lãi suất thấp kỷ lục và bơm thêm tiền vào thị trường. Hôm 2/11, Mỹ đã công bố gói nới lỏng định lượng lần thứ 2, với giá trị 600 tỷ USD. Kế hoạch này của Mỹ đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó đứng đầu là Trung Quốc và Đức, lên án gay gắt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul.

5. Tranh cãi tiền tệ nóng bỏng

Cuộc tranh cãi khắp toàn cầu về có hay không một cuộc chiến tiền tệ khởi nguồn từ tuyên bố mạnh miệng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil Guido Mantega hôm 27/9. Theo ông Mantega, cuộc chiến tiền tệ quốc tế đã nổ ra bởi chính phủ nhiều nước trên toàn cầu đua nhau hạ tỷ giá giúp tăng tính cạnh tranh.

Ông Mantega đã thừa nhận điều mà các nhà hoạch định chính sách đã nói riêng với nhau: Ngày càng nhiều quốc gia coi tỷ giá đồng tiền thấp như là một cách giúp vực dậy kinh tế nước họ. Việc nhiều nước cố gắng hạ tỷ giá đã khiến sự hợp tác trong các diễn đàn kinh tế toàn cầu trở nên khó khăn hơn.

6. Giá vàng sóng sau dồn sóng trước

Sau khi tạo sóng lớn vào cuối tháng 11/2009, vàng thế giới lặng lẽ một thời gian khá dài. Tuy nhiên, hàng loạt lý do khó cưỡng khác từ nửa cuối năm 2010 đã khiến sóng vàng liên tục dồn ép và đua nhau phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác. Hôm 6/12, giá vàng giao ngay đã bất thần vọt lên mức cao kỷ lục mọi thời đại 1.429,4 USD/ounce, còn vàng kỳ hạn giao tháng 2/2011 chạm mức 1.425,7 USD/ounce.

Giá vàng đang hướng tới năm tăng thứ 10 liên tiếp, do việc chính phủ các nước dành hàng nghìn tỷ USD để giữ lãi suất ở mức thấp, nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Theo giới phân tích, giá vàng trên thế giới sẽ còn cơ hội tăng tiếp trong năm 2011. Mức giá có thể lên ngưỡng 1.700 - 2.000 USD/ounce.

7. Lạm phát nghiêm trọng ở khắp nơi

Từ cuối năm 2010, tình trạng lạm phát đã trở nên nghiêm trọng ở các nước đang nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số quốc gia khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11/2010 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng cao nhất trong vòng 28 tháng qua.

Không thua kém gì Trung Quốc, chỉ số CPI của Ấn Độ trong tháng 10/2010 cũng tăng 7,5%. Cùng thời điểm này, tại Nga là 9,8% và của Hàn Quốc là 4,1%, cao nhất trong 20 tháng qua. Riêng Brazil, chỉ số CPI trong năm 2010 dự đoán tăng tới 5,5%.

8. Hàng không thế giới lao đao

Hàng không thế giới đã có một năm lao đao, đặc biệt là vào tháng 4 năm nay, khi một ngọn núi lửa Eyjafjallajokull ở miền Nam Iceland phun trào, đã đẩy hàng tấn tro bụi vào không khí, khiến hàng không trên toàn châu Âu và các khu vực khác trên thế giới có đường bay tới châu lục này bị tê liệt, gây ra cảnh ùn tắc hỗn loạn ở nhiều sân bay quốc tế lớn.

Chỉ tính riêng tại châu Âu, hơn 100.000 chuyến bay đã bị hủy, ảnh hưởng tới hơn 10 triệu hành khách. Nhiều sân bay đã phải đóng cửa trong nhiều giờ hoặc cả ngày. Đây là vụ đóng cửa hàng không lớn nhất ở châu Âu kể từ chiến tranh thế giới thứ hai tới nay.

9. Bão thu hồi xe lan rộng toàn cầu

Năm 2010, hàng loạt hãng xe tên tuổi trên thế giới đua nhau thu hồi sản phẩm để sửa chữa. Cơn cuồng phong này đã điểm mặt gần như toàn bộ những thương hiệu xe hàng đầu thế giới, từ các hiệu xe Mỹ General Motors, Ford, Chrysler cho tới các hãng xe Nhật Bản Toyota, Honda, Nissan...

Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ thu hồi đình đám của Toyota trên khắp toàn cầu. Hãng này cũng phải nộp phạt số tiền kỷ lục 48,8 triệu USD cho các nhà chức trách Mỹ để dàn xếp các cuộc điều tra về việc Toyota cố tình thông báo chậm lỗi chân ga, vốn bị xem là nguyên nhân khiến hàng chục người thiệt mạng.

10. Những vụ IPO "khủng"

Năm 2010, trong số những yếu tố kinh tế tích cực, có lẽ không thể bỏ sót những vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức thu về kỷ lục. Đầu tiên phải kể đến là vụ IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thu về 22,1 tỷ USD hồi tháng 7. Nhiều nhà phân tích đã coi vụ IPO của ngân hàng này là một thước đo đối với niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, vị trí quán quân IPO năm 2010 lại thuộc về hãng xe hơi General Motors. Với số tiền thu về 23,1 tỷ USD hồi tháng 11, đợt phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng của General Motors đã trở thành vụ IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán thế giới. Sự kiện cũng đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của thương hiệu xe Mỹ nổi tiếng này, sau một thời gian khá dài phải tái cấu trúc.
VnEconomy

Đọc thêm