10 tỷ USD cho vay bất động sản, không lo nợ...xấu

Hàng loạt dự án bất động sản được khởi công, tương ứng với nó là số dư nợ cũng đạt con số ấn tượng. Chưa hết quý 3/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng.


Hàng loạt dự án bất động sản được khởi công, tương ứng với nó là số dư nợ cũng đạt con số ấn tượng. Chưa hết quý 3/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng.

Nợ xấu: không lo!

Theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước hiện có trên 2.500 dự án khu đô thị mới và dự án kinh doanh bất động sản khác. Số dự án trên “ngốn” hết 80.000 ha và đang được đầu tư xây dựng. Trong tổng số dự án trên thì có đến 650 dự án khu đô thị mới có diện tích đất trên 20ha.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, Hà Nội vẫn là nơi chiếm số dự án lớn nhất cả nước, với trên 800 dự án (chiếm hơn 75.000 ha đất). TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng là những địa phương đứng sau Hà Nội về số dự án bất động sản.

Tại hội thảo quốc tế quốc tế “Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản – kinh nghiệm thế giới và sự lựa chọn cho Việt Nam” tổ chức hôm qua (26/11) tại Hà Nội, đề cập đến nguồn tiền từ các đơn vị tín dụng cho vay bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, tính đến tháng 7/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 210.770 tỷ đồng (tương đương khoảng trên 10 tỷ USD).

Trong tổng số dư nợ nói trên, ông Nguyễn Trần Nam cho hay, tỷ lệ nợ xấu chỉ đạt dưới 2%. Một đại diện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết, thông thường các ngân hàng chỉ “chi tiền” cho các dự án đảm bảo tính pháp lý. “Ngân hàng họ “nhìn mặt” cho vay. Các khoản vay tín dụng này đảm ứng nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhưng các ngân hàng vẫn ở thế thắng khi có tài sản là các dự án được nhà đầu tư thế chấp. Do đó, tỷ lệ dư nợ vẫn là con số “nhẹ nhàng” cho các ngân hàng”, vị này cho hay.

Minh bạch: hạn chế!

Vẫn “thu hút khách hàng”, “giao dịch thực tế” vẫn đạt tỷ lệ cao, đó là nhận định của lãnh đạo Bộ Xây dựng về hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà đất tại các dự án khu đô thị có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có chất lượng nhà ở và môi trường tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Khác với thời gian trước đây, việc “bùng nổ” hoạt động đầu tư bất động sản giờ đây có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Hoạt động này giờ không chỉ là lĩnh vực độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước mà đã được khuyến khích, mở rộng đối với các thành phần kinh tế khác nhau. Đặc biệt, bất động sản cũng là lĩnh vực được các doanh nước ngoài hào hứng đầu tư, khi số vốn FDI cho kinh doanh bất động sản lên đến 2,5 tỷ USD.

Thu hút nhà đầu tư, nguồn cầu rất lớn, tuy nhiên, bất động sản vẫn là một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Trần Nam gọi đó là sự “khiếm khuyết, bất cập” và cần “khắc phục”.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, Bộ Xây dựng cũng đã liệt kê ra tám sự hạn chế cần phải khắc phục. Ngoài việc nhận thực về bản chất, vai trò và vị trí của thị trường bất động sản vẫn còn hạn chế, thì khung pháp lý của thị trường này còn nhiều bất cập. “Nhiều vụ việc bán nhà trên giấy, khởi công và làm công trình khi chưa được giao đất, chuyện diễn ra ban ngày nhưng vẫn không ai bị xử lý”, ông Trần Tiến Hải - một nhà đầu tư bất động sản nói về sự bất cập.
“Tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, điều này dẫn tới sự hoạt động của thị trường bất động sản thiếu bền vững và ổn định”, ông Nguyễn Trần Nam đề cập đến sự hạn chế về tính minh bạch của thị trường.

Việt Hưng

Đọc thêm