1.001 lỗi dở khóc dở cười của MC Việt

MC giống người cầm cờ chạy đầu tiên trong một trận đánh. Vinh quang, anh được chụp ảnh, tuyên dương hết lời. Ngược lại, sự cố xảy ra, anh là người bị… “bắn chết” đầu tiên.

MC giống người cầm cờ chạy đầu tiên trong một trận đánh. Vinh quang, anh được chụp ảnh, tuyên dương hết lời. Ngược lại, sự cố xảy ra, anh là người bị… “bắn chết” đầu tiên. Lỗi, khán giả cứ nhằm MC mà trách. 90% người trong cuộc không bao giờ thanh minh được. Một MC đã tổng kết một cách hóm hỉnh như vậy về cái nghề "làm dâu trăm họ" của mình. Bất cứ ai sống với nghề MC đều hiểu rằng, lỗi khi lên hình luôn là bạn đồng hành. Chẳng thế, chính người trong giới gọi MC là nghề vạ miệng, nghề giơ đầu chịu báng, mà nói như trên là một cách ví von.
Mô tả ảnh.
MC Lê Anh thẳng thắn chia sẻ những sự cố thường gặp của nghề trong suốt 10 năm qua.
 Người trong nghề vẫn truyền tai nhau bài học của một MC nổi tiếng, hoạt ngôn từng “lỡ miệng” về cách xưng hô trong một chương trình mang tính chính trị nên phải tạm dừng công việc đang làm vì sức ép khán giả. Nghề vạ miệng, nên công việc buộc người MC phải tập trung cao độ, mà cao độ quá dễ dẫn đến căng thẳng, từ đó dẫn đến nhiều sai sót không đáng có. Bên cạnh đẳng cấp, một MC chuyên nghiệp vẫn luôn cần tới phong độ ổn định, bản lĩnh và sự may mắn để có sự minh mẫn, trôi chảy từ đầu tới cuối chương trình. Trong gần chục năm lên hình, dẫn các chương trình sân khấu, sự kiện, MC Lê Anh may mắn vẫn chưa bị “phốt” nào nhớ đời. Thời điểm mới bắt đầu công việc, lỗi thường gặp của Lê Anh (cũng như nhiều MC mới bước vào truyền hình) là mắt "đảo như rang lạc” do không thể tập trung vào ống kính máy quay. Rồi đến các lỗi dễ mắc phải khác như lỗi trang điểm, cách để tay, nói nhịu, nói lắp, nói mất chữ, đôi lần bị ngọng, giới thiệu nhầm tên… MC Lê Anh kể, có lần dẫn xong cuộc thi Người đẹp Kinh đô vào buổi sáng, anh tiếp tục “chạy sô” dẫn một chương trình lễ trao giải vào buổi tối cùng ngày. Vẫn bộ quần áo, địa điểm đó, Lê Anh bước lên sân khấu cười tươi, tự tin chào khán giả, rồi cất giọng: “Chào mừng quý vị đã đến với cuộc thi...” (Dù đây là một chương trình lễ trao giải). Rất may, Lê Anh kịp dừng lại, ngay sau từ “cuộc thi” và nói lại tên chính xác chương trình, với một cái cười trừ! Lần khác, trong một chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện, khán giả đang rất chăm chú dõi theo mạch câu chuyện của MC, chất giọng của Lê Anh đang đi vào chiều sâu: “Các anh, các chị (thanh niên xung phong - PV) đã đi qua một thời bọm đan khói lửa”. Hoá ra, anh nhịu, đọc ngược “đạn bom” thành “bọm đan” mà chính mình không hay. Khán giả bên dưới đắm chìm trong cảm xúc câu chuyện nên không nhận ra một cách rõ ràng. “Hú hồn”, Lê Anh nói. Theo MC Lê Anh, lỗi lên hình vốn khó tránh khỏi, nhưng người MC cần biết lỗi nào nên tránh và hạn chế. Đó là những lỗi liên quan tới kiến thức, số liệu, thông tin “nhạy cảm” như năm sinh năm mất của danh nhân, mốc thời gian lịch sử..., lỗi chủ quan, duy ý chí coi ý kiến của mình là ý kiến của số đông, đưa ra nhận định và bình luận về sự kiện một cách chủ quan, cá nhân. 
Mô tả ảnh.
2 sự cố gần đây nhất của MC Lại Văn Sâm tại Lễ bế mạc LHP Quốc tế Việt Nam lần 1 và Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đọc sai tiếng Anh tại phần thi "Người đẹp áo tắm" của Hoa hậu Trái đất 2010 khiến dư luận không khỏi e ngại về khả năng tiếng Anh của các MC Việt Nam
2 sự cố gần đây nhất của MC Lại Văn Sâm tại Lễ bế mạc LHP Quốc tế Việt Nam lần 1 và Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đọc sai tiếng Anh tại phần thi "Người đẹp áo tắm" của Hoa hậu Trái đất 2010 khiến dư luận không khỏi e ngại về khả năng tiếng Anh của các MC Việt Nam.“Bình thường mắc lỗi, các MC trẻ tỏ ra ngượng nghịu, xin lỗi khán giả về sự cố. Tuy nhiên trong trường hợp khán giả không để ý, tốt nhất, cứ coi như không có chuyện gì xảy ra để dẫn tiếp. Nếu người MC coi lỗi nhỏ đó là “kinh khủng”, phía dưới, ắt khán giả coi điều đó là trầm trọng ngay” - MC Lê Anh đúc rút. Anh nhấn mạnh thêm: “MC không phải diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh, không thể “làm lại” khi chương trình bắt đầu, đặc biệt là truyền hình trực tiếp hay sự kiện lớn. Khán giả nên có một sự đánh giá “đời” hơn khi MC mắc lỗi. Mọi người thử nói thao thao bất tuyệt hơn cả tiếng đồng hồ xem bị nhịu, bị lỗi câu nào không?! Trước hàng triệu khán giả sau màn hình, hàng nghìn khán giả trực tiếp, bên cạnh sự chuẩn bị chưa kỹ càng của BTC chương trình, sức khoẻ không ổn định do thiếu ngủ, cùng vô khối sức ép từ đạo diễn, biên tập, nhà tổ chức, khách VIP, diễn viên, ca sỹ… Quả thật, tỷ lệ tránh khỏi rủi ro là rất thấp! Nhiều khi đang dẫn, có con… thiêu thân đậu ngay vào mũi, xông thẳng vào họng, ngứa cái mặt mà không dám gãi!!!”.Và 1001 lỗi "vạ miệng" dở khóc, dở cười của MC Trao đổi với phóng viên, một số MC nổi tiếng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh nhiều lý do khách quan, trong nghề vẫn tồn tại tình trạng chủ quan, thiếu tập trung, nghiêm túc. Đặc biệt trong những chương trình mang tính chất giao lưu, thoải mái. Mải đùa cợt trong cánh gà, một số MC dễ mắc lỗi nhịu, ra sân khấu, nói “nghệ sỹ ưu tú” thành “nghệ sỹ yêu tí”, “giải thưởng 100 triệu đồng” thành “100 triệu đô”… Trong chương trình Chắp cánh thương hiệu, có lần MC Danh Tùng bước ra sân khấu và… “Chào mừng khán giả đến với chương trình Hành khách cuối cùng” (do anh thường xuyên dẫn cả chương trình này).  Lần khác, dẫn đôi cùng "Ốc" Thanh Vân trong Tình yêu của tôi, Danh Tùng được dịp “ngượng chín mặt” vì giới thiệu nhịu tên “Danh Tùng - Thanh Vân” thành... Danh Vân ngay trong lời chào đầu tiên. MC Thảo Vân từng đọc sai chức danh Trợ lý Tổng bí thư trong một cuộc họp mặt. Số là, chương trình có nhiều Tổng biên tập các báo tới dự, vừa giới thiệu đại biểu xong, BTC bất ngờ đưa thêm một mảnh giấy ghi chức danh viết tắt “Trợ lý TBT (trợ lý Tổng bí thư). Theo cảm tính, Thảo Vân đọc ngay thành Trợ lý Tổng biên tập. “Sau sự cố, tôi rút ra kinh nghiệm, nếu thật sự chưa chắc chắn điều gì nên kiểm tra kỹ, thà rằng giới thiệu sau còn hơn bị nhầm. MC nên yêu cầu BTC ghi rõ chức danh đại biểu” - Cô chia sẻ.
Mô tả ảnh.
 MC Thảo Vân từng dính một "phốt" nhớ đời khi đọc sai chức danh Trợ lý Tổng Bí Thư thành Trợ lý Tổng biên tập.
MC Mỹ Lan, trong một chương trình phỏng vấn khách mời có chức danh Giáo sư tiến sỹ vì quá tập trung để nói cho hay, diễn cảm, tự nhiên nói nhầm “thưa Giáo sư tiến sỹ thành… thưa giáo sỹ”. Nói về chuyện hậu trường, MC Thu Nga cho biết, nhiều lần chị gặp phải trường hợp đạo diễn chương trình bất ngờ thay đổi kịch bản mà không báo lại cho MC. Do vậy, đương nhiên bước ra sân khấu MC dẫn “như đúng rồi”, giới thiệu bài hát Nhớ mùa đông Hà Nội thì ca sỹ bước ra và xin hát bài Nhớ mùa thu Hà Nội. Vậy là ở trong cánh gà, MC chỉ biết ôm mặt tự ngượng. Khán giả bên dưới chẳng ai mà không nghĩ MC dẫn sai, đâu biết rằng, sự cố do đạo diễn gây nên. Nỗi kinh hoàng lớn nhất của các MC, dù ít hay nhiều kinh nghiệm, đó là chuyện bị khách mời “cướp” diễn đàn. Trường hợp này thường xảy ra với khách mời lớn tuổi, ít cơ hội xuất hiện trên tivi. Mặc dù, trước giờ lên sóng MC, đạo diễn chương trình dặn dò kỹ lưỡng khách mời là chỉ được nói cho vừa vặn giờ lên sóng. Nhưng không, khách mời đã thuộc lòng sẵn một bài phát biểu dài cả… 5 trang giấy chuẩn bị trước. Thế nên mới xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười” khi MC chuyển micro sang phía khách, bất ngờ bị khách mời giữ chặt cả tay và micro, cố nói hết bài phát biểu dày công chuẩn bị. Trong chương trình trực tiếp, nhiều khi MC phải ngậm bồ hòn làm ngọt với tình trạng miệng cười tươi vâng dạ, “tay kéo co” với khách mời trên hình. Một số MC đều thừa nhận, tình trạng khách mời “cướp” diễn đàn hiện nay diễn ra khá phổ biến. MC Lê Anh gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Thông thường, trong trường hợp này, các đạo diễn thường “hét” lên trong tai nghe của MC là phải “gỡ” tay khách mời ra khỏi micro, còn MC phải chủ động quan sát tình hình lên sóng để có biện pháp xử lý. MC Thu Nga, Lê Anh từng phải “gỡ” từng ngón tay khách mời, thậm chí “cấu” vào khách để nhắc nhở. Đâu là nguyên nhân dẫn đến các sự cố của MC? MC Thu Nga nhận định, điều khiến MC mắc lỗi chủ yếu do một số yếu tố cơ bản như loa kiểm tra kém, tư duy bị phân tán vì tiếng động lớn, micro trục trặc… Đồng thời, với một số chương trình mà bản thân người dẫn tự cho là quá quen thuộc, hoặc từng làm chương trình lớn hơn nên không chuẩn bị chu đáo, nguy cơ dẫn đến sai lầm rất lớn.
Mô tả ảnh.
 Bên cạnh đẳng cấp, một MC chuyên nghiệp vẫn luôn cần tới phong độ ổn định, bản lĩnh và cả sự may mắn để có được sự minh mẫn, trôi chảy từ đầu tới cuối chương trình.
Về yếu tố kịch bản dẫn, đạo diễn thường yêu cầu nói đúng, đủ theo kịch bản, MC buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, có một số câu, từ không phải của mình, đâm ra nói bị gợn, bị sai. MC cũng cần hết sức tôn trọng kịch bản - vốn là một yếu tố an toàn cần có cho bất cứ chương trình nào. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, dẫn đúng kịch bản không có nghĩa là học thuộc lòng văn bản. Người MC phải biết nhào nặn ngôn ngữ văn viết thành văn nói cho có hồn, thể hiện sự “nhuyễn” kịch bản  của mình. Bên cạnh vấn đề an toàn, sự "phiêu" là cần phải có để thể hiện đẳng cấp của một MC. “Phiêu”, chứ không phải liều lĩnh nói những điều không ăn nhập kịch bản. Dẫn một câu lạc bộ thơ, ca, độ "phiêu" của người MC cao, nhưng khó mắc sai lầm. Trái lại, sự kiện mang tính chất chính trị, tầm quốc gia, người MC cần biết đặt ra giới hạn cho sự "phiêu" của mình, dự tính tất cả sự cố có thể xảy ra, nhằm đưa ra biện pháp khắc phục. Một MC có tiếng trong nghề đưa ra nhận xét, gần đây các chương trình thường hay sử dụng MC dẫn đôi. Bên cạnh yếu tố thành công ghi nhận, sự hợp tác này nảy sinh rất nhiều lỗi đáng nói. Theo MC này, dẫn đôi quan trọng nhất là hiểu, đạt đến sự tương đồng về mặt trình độ, kinh nghiệm giữa 2 MC. Dẫn đôi cần chọn, không phải cứ được BTC ghép với bạn dẫn là ai cũng nhận. Nếu cả hai MC chưa hiểu nhau thì việc tôn trọng kịch bản là cần thiết nhất, để an toàn cho MC và cả chương trình.  Bản thân người đưa ra nhận định này từng chứng kiến rất nhiều trường hợp người MC vô tình “bị hạ” bởi bạn dẫn của mình quá lố, quá tham thể hiện. Điều này bắt nguồn từ tư tưởng dẫn đôi, bạn dẫn sợ bị chìm, nên tìm cách làm bật mình lên. MC Thảo Vân chia sẻ, đối với dẫn đôi, cả hai MC cần phải có cùng quan điểm, tôn nhau lên, chứ không phải làm mờ nhau. Dẫn đôi, quan trọng là 2 người biết nhường nhau, nếu người trước nói hết ý, người sau sẽ không còn cơ hội nói nữa. Vì vậy, bạn dẫn chỉ nên nói nửa câu, nửa còn lại đẩy sang bạn dẫn. Một đôi bạn dẫn hiểu nhau, biết tung hứng sẽ giúp họ thăng hoa, làm chương trình hấp dẫn, thú vị hơn. Và có lẽ, sẽ trở thành thảm hoạ nếu hai người chưa thực sự hiểu nhau. Đây chính là điều các nhà tổ chức hết sức lưu ý, đừng cố gán ghép để làm đẹp chương trình. Cùng với những điều trên, tất nhiên không thể không kể đến các lỗi chủ quan khác dẫn đến các sự cố của MC, đó là nhiều người nhận thức xã hội còn non, trình độ nói chung, trình độ ngoại ngữ không tốt, đôi khi cả bản lĩnh chính trị cũng chưa đủ cao nên dễ dẫn tới "lỡ miệng" trong khi thao thao bất tuyệt.
Theo VTC News

Đọc thêm