15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW

(PLVN) - 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, một trong những chuyển biến mạnh mẽ nhất là nội dung tuyên truyền đã gần hơn, sát hơn với cuộc sống người dân bằng những hình thức phù hợp.
Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. (Ảnh minh họa).
Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai. (Ảnh minh họa).

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Bên cạnh việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật, đặc biệt các văn bản liên quan đến công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật; các chế độ, chính sách, quy định mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế; các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; quyền, nghĩa vụ của công dân; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật… thì nội dung PBGDPL còn được lồng ghép và gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng nông thôn mới”; lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư và nhiều phong trào, hoạt động xã hội khác.

Đặc biệt, trong 15 năm qua, hình thức PBGDPL luôn được đổi mới, sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, bám sát yêu cầu của Luật PBGDPL. Nhiều hình thức PBGDPL được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Đơn cử như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với nhiều hình thức như thi hái hoa dân chủ, thi viết, thi qua hình thức sân khấu, tổ chức thi trắc nghiệm, thi vấn đáp, thi trên mạng… Trong thời gian qua, các địa phương đã tổ chức 211.663 cuộc thi, với 193.008.539 lượt người tham dự.

Điển hình như Cuộc thi viết: “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có 4.855.057 bài dự thi; Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, 2017 đã thu hút 269.611 học sinh của 17 tỉnh, thành đăng ký tham gia; Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã tổ chức 8 lần trong 3 năm từ 2017-2019 với 109.613.000 người tham gia. Ngoài ra,

PBGDPL thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cũng được đẩy mạnh.

Chú trọng đến nhóm yếu thế

Hình thức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật đã được triển khai phù hợp và rất hiệu quả với đối tượng đặc thù cũng như nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Một số nơi, Sở Tư pháp phối hợp Công an tỉnh tổ chức PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện và lồng ghép trong chương trình học văn hoá, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng (Quảng Nam, Đắk Nông, Thừa Thiên - Huế).

Các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể của địa phương tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện cho phạm nhân với các chủ đề “Sống có ích”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; mở các lớp tư vấn, giáo dục dạy nghề, bảo đảm các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng; phát động Cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Khát vọng hoàn lương”; phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”...

Một số địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội và Hội Người mù (Sóc Trăng, Thái Bình); PBGDPL qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ và Hội Người mù cho người khuyết tật (Kon Tum, Thanh Hóa, Khánh Hòa); biên soạn, phát hành tài liệu tiếng dân tộc, sổ tay, đĩa CD, lồng ghép qua lễ hội truyền thống (Đắk Lắk, Sóc Trăng, TP HCM). 

Ngoài ra, một số hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả cũng được áp dụng cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống như: Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật, đối thoại với công nhân lao động nhân Tháng Công nhân (Tổng Liên đoàn Lao động). Bộ Quốc phòng đưa việc học tập pháp luật vào chương trình giáo dục chính trị trong toàn quân; tổ chức học tập “mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, “mỗi tuần học một điều luật”; diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”...

Tiếp tục đổi mới hướng đến trọng tâm trọng điểm

 Tuy nhiên, sau 15 năm, theo Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị 32-CT/TW thì việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm. Công tác hướng dẫn phổ biến những lĩnh vực pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận chưa được thực hiện thường xuyên.

Một số hoạt động PBGDPL đôi lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL bắt đầu chậm; một số hình thức PBGDPL chưa phù hợp với tính chất, đặc điểm của đối tượng đặc thù. 

Vấn đề đặt ra thời gian tới là tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm; triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp cận thông tin; tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật. 

Đọc thêm