Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2010 với 17 điểm mới.
Công tác tổ chức
Quy chế mới quy định các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản.
Điều này có nghĩa là các địa phương khó khăn không nhất thiết phải thi theo cụm trường, gây quá khó khăn cho thí sinh phải đi trọ thi.
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp lần lượt theo môn thi ngoại ngữ với thứ tự: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và môn thi thay thế.
Sau đó, danh sách thí sinh phải thi của của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) được xếp theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh.
Giám thị phòng thi được phân công theo nguyên tắc: hai giám thị trong một phòng thi phải là giáo viên dạy khác trường; giám thị không coi thi quá một môn đối với mỗi phòng thi; hai giám thị không cùng coi thi quá một lần.
Về giám thị ngoài phòng thi, quy chế mới quy định họ phải theo dõi, giám sát thí sinh và giám thị trong phòng thi thực hiện quy chế thi tại khu vực được Chủ tịch Hội đồng phân công; thực hiện một số công việc cần thiết phục vụ nhiệm vụ coi thi do Chủ tịch Hội đồng phân công.
Tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.
Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 phần đề tự chọn
Về bài thi, thí sinh chỉ được làm một trong 2 phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi.
Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất 2 giám khảo.
Nếu trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm.
Điều chỉnh quy định về chấm phúc khảo
Quy chế nêu rõ mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày niêm yết công khai kết quả của kỳ thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên.
Sở Giáo dục và Đào tạo sở tại có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh mình toàn bộ danh sách và đơn xin phúc khảo bài thi trắc nghiệm của thí sinh; chuyển đến Hội đồng phúc khảo của tỉnh đã chấm bài tự luận toàn bộ danh sách thí sinh xin phúc khảo bài thi tự luận.
Điều chỉnh điểm của bài thi khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác.
Quy định này đã mở rộng hơn quyền lợi cho thí sinh so với quy định trước đây là điểm chấm phúc khảo chỉ được điều chỉnh khi chênh lệch từ 1,0 điểm trở lên so với điểm chấm cũ.
Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ lựa chọn cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi theo sự điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo và bố trí kinh phí đi lại, kinh phí ăn ở cho các cán bộ, giảng viên của đơn vị tham gia kỳ thi.
Về công tác kiểm tra, giám sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của Bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi.
Theo Vietnam+