Theo đó, qua rà soát sơ bộ, có tới 184 luật liên quan đến tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung. Song song đó là khoảng 200 nghị định, thông tư hướng dẫn, chưa kể những quyết định của Thủ tướng, nghị quyết và nghị định của Chính phủ.
Liên quan đến chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương, Bộ trưởng cho rằng sau khi hợp nhất các bộ, ngành trung ương với những lĩnh vực quản lý đa ngành, nếu không phân cấp, phân quyền thì “chắc chắn không có bộ trưởng nào có thể bao quát được tất cả lĩnh vực đa ngành”.
|
Đoàn công tác của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Thịnh) |
Qua rà soát bước đầu, việc phân cấp phân quyền liên quan đến khoảng 184 luật chuyên ngành cần phải sửa đổi, chưa kể những nghị định có liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, tới đây Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ, với Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 2 tới phải sửa đổi những luật bắt buộc phải sửa ngay để có thể vận hành thông suốt bộ máy.
Dự kiến sẽ phải sửa Luật Tổ chức Quốc hội và dựa vào kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền mới có thể sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nếu không kịp thì phải lùi lại và sửa Luật Tổ chức Quốc hội trước. Tuy nhiên kỳ họp Quốc hội tới sẽ phải ban hành một nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo sắp xếp mới.
Trong nghị quyết đó sẽ có điều khoản chuyển giao những nhiệm vụ từ các bộ trước khi sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục làm nhiệm vụ trong những cơ quan mới. Cũng theo Bộ trưởng, việc này nhằm thể chế hóa chủ trương của Trung ương, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau khi sắp xếp.