200.000 người Bangladesh biểu tình đòi tăng lương

Ngày 23/9, các công nhân may mặc tại Bangladesh đã chặn các tuyến đường, phóng hỏa đốt cháy nhiều nhà máy và đụng độ với cảnh sát trong ngày thứ 3 liên tiếp. Các cuộc biểu tình đòi tăng lương tháng tối thiểu lên 100 USD đã lan rộng ra bên ngoài thủ đô Dhaka.

Ngày 23/9, các công nhân may mặc tại Bangladesh đã chặn các tuyến đường, phóng hỏa đốt cháy nhiều nhà máy và đụng độ với cảnh sát trong ngày thứ 3 liên tiếp. Các cuộc biểu tình đòi tăng lương tháng tối thiểu lên 100 USD đã lan rộng ra bên ngoài thủ đô Dhaka.

Các công nhân tham gia biểu tình. Ảnh: Internet

Ông Abdul Baten – cảnh sát trưởng quận Gazipur, vốn là nơi tập trung hàng trăm nhà máy ở gần Dhaka – cho biết, đã có đến 200.000 công nhân tham gia vào các cuộc biểu tình gần đây nhất. Cấp phó của ông Baten là ông Mustafizur Rahman thì cho hay, khoảng 300 nhà máy chuyên gia công quần áo cho các nhà bán lẻ hàng đầu tại các nước phương Tây như Walmart đã đóng cửa trong ngày 23/9 vì tình trạng bạo lực.

Các công nhân tham gia biểu tình thấy vậy đã tấn công các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động. “Tình hình hiện nay rất nóng bỏng. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và khí gas để giải tán đám đông các công nhân ngang bướng nhất” – ông Rahman cho biết và nói thêm hàng chục công nhân và một số cảnh sát đã bị thương.

Theo các nhà sản xuất tại Bangladesh, các cuộc biểu tình ngày 23/9 là những cuộc biểu tình bạo lực tồi tệ nhất kể từ năm 2010 cho đến nay. Các cuộc biểu tình ở thời kỳ đó đã buộc chính phủ và các chủ nhà máy phải đồng ý tăng lương tối thiểu hàng tháng lên 3.000 taka (38 USD).

Các công nhân dệt may tại Bangladesh được cho là những người được trả lương thấp nhất trong ngành công nghiệp dệt may trên thế giới. Họ thường xuyên phải làm việc đến 80 giờ mỗi tuần trong các nhà xưởng có thể dễ dàng bị hỏa  hoạn hay các tai nạn khác.

Hồi tháng 6 vừa qua, chính phủ Bangladesh đã thành lập một ủy ban để xem xét về vấn đề tiền lương, trong khi các liên đoàn người lao động đã đề nghị áp mức lương tối thiểu hàng tháng là 100 USD. Tuy nhiên, các chủ nhà máy đã bác bỏ yêu cầu này, nói rằng chỉ có thể tăng lương tối thiểu lên mức xấp xỉ 44,4 USD vì điều kiện kinh tế chung toàn cầu.

Thanh Tâm (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm