Với hơn 50 tộc người sinh sống, Việt Nam là một đất nước đa dạng và phong phú về bản sắc, phong tục tập quán, ngôn ngữ và kinh nghiệm, vốn sống trong cộng đồng. Mỗi địa phương có một vốn văn hóa riêng, được tạo nên từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nơi mà đất đai, sông nước, thời tiết luôn gắn liền với đời sống người dân.
Trong tín ngưỡng của người phương Đông nói riêng và người Việt nói chung, con người luôn đề cao vấn đề “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Lễ hội cũng là cách để con người “trả ơn” thần linh trong việc tạo ra “thiên thời, địa lợi” để họ chuyên tâm lao động, sản xuất.
Lễ hội là một phần tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người Việt ở khắp mọi vùng đất và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí nhiều nhà nghiên cứu đã không thể xác định được thời điểm ra đời, xuất hiện của những lễ hội. Song sự huyền bí, linh thiêng cũng như không khí cộng đồng chia sẻ của lễ hội luôn được người dân tôn trọng, bảo vệ và lưu truyền.Vì đó chính là cuộc sống tinh thần của họ.
Cuốn sách 25 lễ hội đặc sắc ở Việt Nam là sự chọn lọc những lễ hội mang đậm bản sắc nhất, trong hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ diễn ra mỗi năm trên đất nước Việt Nam. Đó là Lễ cúng ông bà – Dolta, Lễ hội Bà Chiêm Sơn, Lễ hội cá Ông, Lễ hội Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Chọi trâu, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Cúng máng nước đầu năm của người Xơ-teng, Lễ hội Cúng rừng - Cấm bang, Lễ hội Đền Gióng, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Gầu tào, Lễ hội Katê, Lễ hội Lồng tông, Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Ook om bok, Lễ Rước nước trên sông Hồng, Lễ tết đầu năm của người Ca Dong, Lễ hội Vía Bà, Lễ hội Yên Tử...
Mỗi lễ hội lại mang một bản sắc và bắt nguồn từ phong tục, tập quán riêng của mỗi địa phương. Ví như Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết, lễ hội này có xuất xứ từ tập quán của người Hoa sinh sống tại Phố Hài (Phan Thiết) từ năm 1778, cứ hai năm tổ chức một lần. Lễ hội Nghinh Ông diễn ra thật trang trọng và hoành tráng gồm các hoạt động như Rước Ông và diễu hành trên đường phố và các con đường ở phía Bắc sông Cà Ty; Liên hoan Lân Sư Rồng của các câu lạc bộ người Hoa ở TP.Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Dương, Huế, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ...; Lễ hội ẩm thực tái hiện khung cảnh họp chợ của cư dân với nhiều món ẩm thực đậm đà nét văn hóa của người dân phố biển, trình diễn trang phục dân tộc…
Sách 25 lễ hội đặc sắc ở Việt Nam sẽ mở ra cho bạn đọc những cung đường văn hóa ở nhiều vùng quê trên đất nước Việt Nam.
Huỳnh Lê
* Sách 25 lễ hội đặc sắc ở Việt Nam. Nhiều tác giả. NXB Hồng Đức năm 2008. 210 trang. Giá bìa 27.000 VND.