3,5 vạn người nuôi ong phấp phỏng trước giờ phán quyết của DOC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự kiến, ngày 17/11 tới, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ có kết luận sơ bộ điều tra chống bán phá giá đối với mật ong của Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ. 
Hơn, 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Hơn, 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Tháng 5 vừa qua, DOC quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Quyết định này được DOC đưa ra sau 20 ngày thụ lý đơn phản ánh từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux.

Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56 - 138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ.

Hiện, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: "Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra phòng vệ thương mại"

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại: "Đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra phòng vệ thương mại"

Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, thực ra mặt hàng mật ong đã được Bộ Công Thương đưa vào Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra lẩn tránh thuế Quý IV/2020 định kỳ đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và gửi cho các Bộ, ngành, UBND các tỉnh để phối hợp theo dõi.

Tuy nhiên, theo bà Giang, đây là lần đầu tiên sản phẩm mật ong của Việt Nam bị đề nghị điều tra phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nuôi ong chủ yếu phát triển từ những cơ sở kinh doanh theo mô hình hộ gia đình, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa được tiếp cận với lĩnh vực phòng vệ thương mại nên còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc. Do đó, khó tránh khỏi việc một số doanh nghiệp ban đầu cảm thấy hoang mang, lo lắng.

“Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mật ong Việt Nam, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ Hoa Kỳ điều tra, Bộ Công Thương đã thu thập dữ liệu, phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hội Nuôi ong Việt Nam triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, chia sẻ quy định pháp luật, kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến Hoa Kỳ, giải đáp thắc mắc và khuyến nghị một số hoạt động ứng phó cho các doanh nghiệp”, bà Giang cho hay.

Cũng theo bà Giang, ngay khi vụ việc được Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra, Cục Phòng vệ thương mại đã liên tục trao đổi với từng doanh nghiệp xuất khẩu để tìm hiểu thông tin cũng như tư vấn hỗ trợ xây dựng chiến lược kháng kiện phù hợp, đồng thời thường xuyên theo dõi những diễn biến mới của vụ việc từ Cơ quan điều tra Hoa Kỳ để thông báo tới Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam nhằm đảm bảo thời hạn phối hợp cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ.

Cũng theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, trong vụ việc này, chúng ta có 2 điểm bất lợi. Thứ nhất, Việt Nam vẫn bị coi là phi thị trường; Hai là, chúng ta được thiên nhiên ưu đãi nên giá cả cũng thấp hơn - vốn là lợi thế của Việt Nam trong điều kiện thông thường.

“Đó là lý do cáo buộc nước ngoài đối với Việt Nam, bởi biên độ của chúng ta cao hơn các nước khác. Nếu không có gì thay đổi, Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ dự kiến sẽ ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc vào ngày 17/11/2021, chúng tôi sẽ theo dõi và có sự trao đổi lại với đối tác…”, lời bà Giang.

Đọc thêm