3 cơ sở chết biến mỡ động vật và giá đỗ bị đình chỉ hoạt động

(ĐNĐT) - Ngày 11-2, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết hai cơ sở chế biến mỡ động vật và một cơ sở dùng hoá chất tẩy trắng giá đỗ tại quận Cẩm Lệ đã bị nghiêm cấm sản xuất.

(ĐNĐT) - Ngày 11-2, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết hai cơ sở chế biến mỡ động vật và một cơ sở dùng hoá chất tẩy trắng giá đỗ tại quận Cẩm Lệ đã bị nghiêm cấm sản xuất.

Đó là hai hộ gia đình ông Nguyễn Đức Dũng (trú tổ 22, phường Hòa Phát) và ông Hồ Minh Tín (trú tổ 16, phường Hòa An) nấu mỡ lợn nhưng không đăng ký kinh doanh, không chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và không cam kết bảo vệ môi trường. Hằng tháng, mỗi cơ sở tung ra thị trường khoảng 2 tấn mỡ lợn thành phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành quận Cẩm Lệ cũng đã tạm đình chỉ cơ sở sản xuất giá đỗ tại gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý (55 tuổi, trú tổ 14, Hòa Phát, Cẩm Lệ) do phát hiện cơ sở này ngâm hóa chất công nghiệp để tẩy trắng giá đỗ. Điều đáng nói là hoá chất Sodium Hydrosufite mà hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Quý sử dụng để “hô biến” giá vàng thành giá trắng là hóa chất dùng để tẩy thuốc nhuộm, chế biến xà phòng trong sản xuất công nghiệp. Nếu ngửi trực tiếp con người sẽ cảm thấy khó thở, nếu bị tiếp nhiễm lâu dài có thể gây ung thư.

Cùng ngày, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng cho biết 6 mẫu hạt dưa và ớt bột sau khi xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với chất Rhodamine B gây ung thư.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khuyến cáo, trước thông tin hạt dưa nhiễm chất Rhodamine B gây ung thư, người dân đã chọn các mặt hàng hạt bí, hạt hướng dương để thay thế, các loại hạt này tuy không sử dụng hóa chất để nhuộm màu, nhưng nguy cơ bị ẩm mốc và nhiễm các loại vi nấm là khá cao, người dân nên bảo quản tốt và sử dụng thận trọng.

Sau một tháng cao điểm tiến hành thanh kiểm tra 1.147 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phát hiện 247 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 22%. Trong đó các vi phạm chủ yếu tập trung vào các hộ gia đình chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (37%), vi phạm nhãn mác hàng hóa (29%) và nhân công chế biến thực phẩm không được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm (19%)…

Cao Sơn

Đọc thêm