Sau hơn 1 năm điều tra, ngày 19-8-2010, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố) kết luận điều tra vụ 3“ quái thủ ” điều hành 10 công ty “ma” can tội lưu hành giấy tờ có giá giả, quy định tại Điều 181, Bộ Luật Hình sự. Qua vụ án, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) phát hiện thủ đoạn mới của tội phạm lợi dụng phương thức chuyển tiền qua ngân hàng để mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Vụ án khởi nguồn từ tháng 6-2009, khi Cơ quan ANĐT (Công an thành phố) kết thúc điều tra một vụ án, phát hiện 2 quyển hoá đơn GTGT giả được lưu hành trên toàn quốc. Tách tài liệu để điều tra, Cơ quan điều tra có đầy đủ tài liệu, chứng cứ bắt Nguyễn Đình Thi, sinh năm 1982, ở xã An Hoà, huyện An Dương (nơi được mệnh danh là làng giám đốc), do tên này có hành vi mua bán giấy tờ có giá giả (hoá đơn GTGT). Tuy nhiên tại thời điểm đó, Thi đã đưa vợ con trốn khỏi địa phương. Khám xét nơi ở của Nguyễn Đình Thi tại số 272 đại lộ Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương, lực lượng điều tra thu được nhiều hoá đơn, chứng từ và 4 bộ dấu của các công ty do Đỗ Thị Liễu, sinh năm 1975, ở xã An Hưng, huyện An Dương lập ra nhằm mua bán trái phép hoá đơn GTGT.
Ngày 22-8-2009, tại xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, lực lượng ANĐT Hải Phòng phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận bắt gọn Nguyễn Đình Thi khi y đang đóng vai người Bắc vào làm ăn. Tới ngày 28-10-2009, cơ quan ANĐT Công an Hải Phòng thi hành lệnh bắt đối với Đỗ Thị Liễu khi thị đang lẩn trốn tại thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 6-12-2009, lực lượng công an tiếp tục bắt đồng bọn của Liễu là Nguyễn Thị Thu Loan, sinh năm 1976, ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương khi Loan đang lẩn trốn ở khu vực đường vòng Cầu Niệm, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân.
Quá trình lần theo dấu vết phạm tội của đường dây mua bán giấy tờ có giá giả tại hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cơ quan ANĐT Công an Hải Phòng làm rõ: Từ tháng 5-2005 đến tháng 7-2009, Đỗ Thị Liễu, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Thị Thu Loan lôi kéo hàng chục người lao động phổ thông ở các làng quê lập ra 10 công ty ma hoạt động mua bán trái phép giấy tờ có giá giả (hoá đơn GTGT) với số lượng lớn kiếm lời bất chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tháng 5-2005, Đỗ Thị Liễu thành lập và tự đứng tên giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại Phương Nam . Liễu thuê Phạm Thị Hoàng Yến, sinh năm 1977, ở số 3/69 Phương Lưu, quận Ngô Quyền làm kế toán và tổ chức mua bán trái phép hàng trăm hoá đơn GTGT. Đến tháng 4-2006, Liễu bán lại Công ty Phương Nam cho Nguyễn Đình Thi và Vũ Văn Thuyết, sinh năm 1957, là người cùng làng. Lập tức Thi thuê Phạm Văn Lựa, sinh năm 1957, một người làm ruộng ở xã Hồng Phong, huyện An Dương đứng tên giám đốc, trụ sở đặt tại số 46 đại lộ Tôn Đức Thắng. Chỉ sau vài tháng, Thi cũng bán hết lượng hoá đơn lớn.
Bằng thủ đoạn tương tự, tháng 12-2007, Đỗ Thị Liễu liên tiếp thành lập 1 công ty và mua 3 công ty “ma” trên “thị trường đen”, thuê những người vốn là nông dân, lái xe ôm…làm giám đốc. Với 5 công ty trên, Liễu bán hàng trăm hoá đơn GTGT. Mặc dù hoá đơn còn nhiều, song thấy động, thị liền bỏ cả công ty cao chạy xa bay, sống chui lủi tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lúc Liễu bỏ trốn thì Nguyễn Đình Thi vẫn đang đắm chìm trong hân hoan bởi khoản lời bất chính lớn thu được từ các công ty “ma”. Trước khi Đỗ Thị Liễu bỏ trốn, y nhờ thị thuê Trần Thị Xuân làm giám đốc và lập ra Công ty TNHH 1 thành viên Thương mại dịch vụ Thanh Xuân, trụ sở đặt tại số 20 đường 208 thuộc xã An Hồng, huyện An Dương. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thi bán hết 7 quyển gồm 350 tờ hoá đơn GTGT cho 116 công ty trên toàn quốc với tổng doanh số hàng ghi khống gần trăm tỷ đồng.
Không chịu thua kém các “đồng nghiệp”, trong tháng 7-2009 Nguyễn Thị Thu Loan lập tiếp 2 công ty ma. Loan thuê 2 người chỉ biết làm ruộng ở xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, là Vũ Văn Năm, sinh năm 1972 và Vũ Văn Vực, sinh năm 1957 làm giám đốc buôn bán hàng trăm hóa đơn thuế GTGT.
Với 10 công ty ma nói trên, chỉ trong thời gian ngắn, những chủ mưu là Đỗ Thị Liễu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Thu Loan tung ra thị trường đen gần 1 nghìn số hoá đơn GTGT có doanh số gần 230 tỷ đồng và nhập từ thị trường này hàng trăm hoá đơn GTGT khác có doanh số tới 200 tỷ đồng. Qua đó, các đối tượng chiếm đoạt của Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Nguy hiểm hơn, chúng kéo theo hàng trăm doanh nghiệp tham gia mua bán trái phép hoá đơn GTGT, gây khó khăn và tổn hại lớn cho hoạt động thuế của Nhà nước. Cơ quan ANĐT trong quá trình điều tra, phát hiện các công ty ma đều không có vốn điều lệ như khai báo và không hoạt động như Đăng ký kinh doanh. Vụ án cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần được chấn chỉnh kịp thời, phù hợp với công tác quản lý nhà nước về hoạt động doanh nghiệp.
Theo qui định của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2009, tất cả những hoá đơn chứng từ trao đổi giao dịch mua bán hàng hoá trên 20 triệu đồng phải thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng, thay cho phương thức thanh toán trực tiếp trước đây. Quy định mới này là hàng rào kiềm chế hoạt động của bọn tội phạm. Tuy nhiên, đối tượng mua bán trái phép hoá đơn GTGT thời gian gần đây dùng “chiêu” hợp thức hoá quy định của Bộ Tài chính, bằng cách bên mua chuyển số tiền thể hiện trên hoá đơn vào tài khoản của bên bán. Việc làm này hết sức mạo hiểm, có thể bên mua sẽ bị bên bán hoá đơn chiếm đoạt. Vì vậy, cùng lúc chuyển tiền qua ngân hàng, bên mua lại phải làm thủ tục rút ngay toàn bộ số tiền trên về tài khoản của mình. Nếu nhân viên ngân hàng nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẽ phát hiện cho cơ quan chức năng về hoạt động “bất bình thường” của đối tượng, góp phần ngăn chặn nạn mua bán giấy tờ có giá giả.
Hồng Nam