30 năm phát triển kinh tế thị trường: Ngập ngừng “một tiến, hai lùi”…

(PLO) - Mặc dù đã phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa 30 năm nay nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chính bởi sự ngập ngừng kiểu “một tiến, hai lùi…” nên Việt Nam vẫn chưa có một nền kinh tế thị trường đầy đủ…
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Vấn đề được đề cập tại buổi hội thảo ra mắt cuốn sách “Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) Việt Nam 2014” do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành…
Băn khoăn “định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Một vấn đề đã và đang có nhiều tranh luận là “nền KTTT định hướng XHCN” mà Việt Nam đang theo đuổi, trong khi một số có quan điểm cho rằng tuy có khác biệt, nhưng về cơ bản thể chế KTTT định hướng XHCN của Việt Nam hiện nay không mâu thuẫn với thể chế KTTT tự do (laisez-faire), theo GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri Thức, nếu cụm từ XHCN ở đây được hiểu là mô hình CNXH kiểu Liên Xô cũ, “thì nó không có gì liên quan, nó mâu thuẫn triệt để với KTTT”. 
Ghép hai khái niệm ấy với nhau là “khiên cưỡng, là thiếu khoa học, là nói lấy được”. “Còn hiểu “định hướng XHCN” là có sự quản lý của Nhà nước, là coi trọng công bằng xã hội thì cái đuôi ấy là thừa; bởi vì không quốc gia nào theo nền KTTT, nhất là các nước Bắc Âu và Bắc Mỹ, lại phản đối điều đó, thậm chí họ còn làm tốt, mà không cần nói ra điều ấy…”- GS Hảo bày tỏ quan điểm.
Theo GS Chu Hảo, ở Việt Nam hiện nay không gì đáng quan tâm hơn là xây dựng thể chế kinh tế thị trường. “Thể chế KTTT còn có nhược điểm, nhưng chắc chắn là còn lâu loài người mới tìm thấy một thể chế hay hơn!”.
Thể chế kinh tế thị trường đầy đủ
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành công của KTTT ở Việt Nam hiện nay không phải chỉ là ở Đảng và Chính phủ mà còn do người dân tự chuyển đổi rất nhanh. Bà Lan dẫn ra câu chuyện khoán 10 của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã tạo bước chuyển lớn trong nông nghiệp. 
“Phải nhắc lại để lý giải cho sự tiến triển nền KTTT của Việt Nam hiện nay. Tuy ta đổi mới nhưng là sự quay lại sự phát triển đã có từ trước. Nhưng đã có giai đoạn phát triển mô hình XHCN kiểu Liên Xô đã làm ngắt quãng sự phát triển KTTT ở nước ta” - bà Lan lý giải. 
Theo bà Lan, lẽ ra Việt Nam có thể phát triển KTTT đầy đủ hơn so với hiện nay. “Chúng ta đi theo KTTT, nhưng tư duy về nó cứ theo kiểu một bước tiến, một bước lùi, như sau khi gia nhập WTO, nên dẫn đến sự suy giảm kinh tế kéo dài từ đó đến nay…” - bà Lan nói.
Theo bà, nhìn lại về tư duy thấy rõ đó là lúc phát triển mạnh doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đổ quá nhiều nguồn lực vào DNNN, ồ ạt lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, dẫn đến khu vực tư nhân bị chèn ép. Cũng theo bà, nhìn lại giai đoạn vừa rồi có quá nhiều DN tư nhân “chết” “thể hiện rõ hệ quả của sự ngập ngừng trong phát triển KTTT”… 
Và cũng chính sự ngập ngừng đó khiến trong suốt một thập kỷ qua, kinh tế cứ lên lại xuống và “đến hôm nay tuy không còn ở điểm đáy nhưng vẫn trong vùng đáy như anh Trần Đình Thiên đã bình luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân vừa rồi” - bà Lan dẫn chứng.
“Mặc dù đã 20 năm tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng đến nay Việt Nam vẫn đang ở nhóm 4 quốc gia kém nhất trong cộng đồng. Nếu không phát triển KTTT nhanh hơn nữa, thậm chí chúng ta lùi xuống và kém cả Lào và Campuchia” – bà Lan khuyến cáo. Theo bà, cần phải so sánh nền KTTT của Việt Nam đang “vênh” so với các nước trong khu vực như thế nào để mà cải thiện… 
Theo ông Đinh Tuấn Minh, Chủ biên báo cáo, sau những bước đi dò dẫm cuối thập niên 1980, nền kinh tế Việt Nam đã có những quyết định không thể đảo ngược chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang hướng nền KTTT, đánh dấu bằng việc ra đời của Hiến pháp 1992.
Về tổng thể, các chỉ số về tự do kinh tế của Việt Nam cho thấy nền kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2000–2006, nhưng sau đó bị chững lại. Từ năm 2012 tới nay, mức độ phát triển nền KTTT thậm chí có xu hướng tụt lùi.
Ông Minh cũng cho rằng, về mặt xếp hạng, mức độ tự do của nền kinh tế của Việt Nam nằm trong vùng thấp so với khu vực và trên thế giới.
Để đánh giá mức độ phát triển của nền KTTT Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng sáu nhóm tiêu chí để đánh giá, bao gồm: quy mô và hiệu quả quản trị nhà nước, hệ thống pháp trị, hệ thống tài chính – tiền tệ, mức độ tự do kinh doanh, mức độ tự do thương mại, và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất.

Đọc thêm