3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp

Chánh Văn phòng – Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng sáng nay cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 251.900 văn bản, phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo qui định tại Điều 3 NĐ số 40/2010, trong đó, có 528 văn bản qui phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền...

Trước báo giới, Chánh Văn phòng – Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng sáng nay cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 251.900 văn bản, phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo qui định tại Điều 3 NĐ số 40/2010, trong đó, có 528 văn bản qui phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền...

“Tình hình xử lý văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp đã có chuyển biến, một số cơ quan ban hành văn bản đã chủ động phối hợp xử lý kịp thời, nhất là những qui định gây bức xúc trong xã hội”, ông Trần Tiến Dũng khẳng định.

 

Bộ cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại án, đưa tỷ lệ án có điều kiện thi hành đạt được chuyển biến tích cực, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả thi hành án từ 1/10/2012 đến 30/6/2013 đạt 63,66% về việc và 37,46% về tiền.

Các lĩnh vực xây dựng pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường nhà nước, lý lịch tư pháp, hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính… cũng được Bộ triển khai đồng bộ và có kết quả đáng ghi nhận.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật với việc tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) để tăng cường năng lực phản ứng chính sách, đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm việc cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí thuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án, bảo đảm tỷ lệ thi hành án dân sự (THADS) xong trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành, triển khi thi điểm thừa phát lại tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và tại TP.HCM; triển khai hiệu quả “Ngày pháp luật”…

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí về những vấn đề sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình, THADS, thi hành Luật Thủ đô, công tác kiểm tra VBQPPL, cấp phiếu lý lịch tư pháp… Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe cho biết, tuy việc tự xử lý VB có dấu hiệu trái PL có chậm so với thời gian luật định (30 ngày) nhưng các qui định trái PL không phát huy hiệu lực trong thực tiễn vì các cơ quan ban hành những VB này cũng đã tự đình chỉ VB trong thời gian tìm giải pháp xử lý theo đề nghị của Cục Kiểm tra VBQPPL.

Vì thế, qua 10 năm thực hiện chức năng kiểm tra VBQPPL, chưa bao giờ Bộ trưởng Bộ Tư pháp “phải dùng đến thẩm quyền đình chỉ VB vi phạm PL”. Cục đang hoàn thiện thể chế (Nghị định số 40), nhất là về chế tài để đảm bảo các VB có dấu hiệu trái PL được xử lý kịp thời, đúng thời hạn.

Thông tin thêm về tiến trình kiểm tra trách nhiệm của công tác THADS trong vụ cụ bà Nguyễn Thị Bương tự thiêu ở trụ sở TAND huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) đầu tháng 7 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Hoàng Sỹ Thành cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã kết luận, vụ việc này không liên quan đến công tác THADS.

Tuy nhiên, Tổng cục vẫn tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Cục THADS tỉnh Phú Yên và Chi cục THADS huyện Đông Hòa rà soát lại các vụ việc THA liên quan đến gia đình cụ Bương. “Sai đến đâu xử lý nghiêm đến đây và đến ngày 12/8 phải báo cáo về Tổng cục”, ông Thành nhấn mạnh.

Đối với 1.100 tỷ đồng phải THA (theo yêu cầu của người được THA) liên quan đến Tập đoàn Vinanshin, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS thừa nhận, “khả năng THA đối với vụ án này là rất khó khăn” vì khi xét xử, tòa án đã không áp dụng biện pháp bảo đảm đối với người phải THA nên khi THA không có tài sản để thi hành.

Ngoài Công ty Nam Triệu, các DN (là cty con của Vinashin) được THA, dù Bộ GTVT đã chỉ đạo, đều không yêu cầu THA nên cơ quan THA không có căn cứ thực hiện THA. Khi xác minh điều kiện THA, tài sản để THA sau khi xác minh là “rất ít hoặc đã thế chấp ngân hàng”.

Trước đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp liên ngành để tìm cách giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục cũng thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, nắm tình hình nhưng đến nay “vẫn không THA được bao nhiêu”.

H.Giang

Đọc thêm