Theo đó, để tìm kiếm giải pháp cho việc phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL, vừa qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL” tại TP Cần Thơ.
Tỷ lệ tham gia thấp so với tiềm năng
Theo số liệu thống kê của Ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến ngày 31/8/2017, số đối tượng tham gia BHYT của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 14.299.918 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,9% so với dân số vùng. Trong đó, có 07 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long An, Kiên Giang và Tiền Giang. Nhìn chung, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của vùng còn thấp, đa phần số đối tượng tham gia tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình, đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là 21.794 người, tăng 2% so với năm 2016. Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn quá thấp so với số đối tượng tiềm năng của vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Đức Thắng - Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, nguyên nhân khiến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL còn thấp so với tiềm năng của vùng là do công tác tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH tự nguyện chưa phù hợp với đặc thù vùng miền nên chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tại một số tỉnh chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Ngoài ra, do đặc điểm tích cách phóng khoáng trong lối sống của cư dân vùng ĐBSCL, làm cho phần lớn người dân không có thói quen căn cơ, tích cóp chuẩn bị cho bản thân khi tuổi già, khi ốm đau, bệnh tật;…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Chúng ta phải tuyên truyền để người dân hiểu chính sách BHXH, BHYT sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau".
Cùng nhận định về những khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện của vùng ĐBSCL, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Nguyên nhân ở đây có lẽ do chính chúng ta đã không làm chuyển biến được nhận thức của người dân, để người dân thấy được hệ thống an sinh xã hội của nước ta, mà cụ thể ở đây là chính sách BHXH, BHYT sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động, cho người bệnh khi không may bị ốm đau”.
Theo đó, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện vùng ĐBSCL phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở KCB phải tăng cường hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cũng như thái độ phục vụ người dân, người tham gia.
Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi yêu cầu Bộ Y tế, trong năm nay phải xây dựng và đưa ra được “Gói dịch vụ y tế cơ bản” được chi trả từ quỹ BHYT cho người dân. Theo đó, người dân sẽ được chính Trạm Y tế cấp xã, phường cung cấp Gói dịch vụ y tế này. “Đây cũng là biện pháp đẩy mạnh sự phát triển của y tế cơ sở, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình chăm sóc sức khoẻ”, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Tăng cường công tác phối hợp giữa BHXH và Hội Nông dân Việt Nam
Được biết, mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số NLĐ tham gia BHXH; 35% số NLĐ tham gia BH thất nghiệp; và mới đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng độ bao phủ BHYT đến năm 2020 phải đạt 90% dân số. Đây là một thách thức lớn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tại vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Hồng Lý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, riêng đối với Hội Nông dân 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra, cần phấn đấu bình quân mỗi năm vận động thêm 2-3% hội viên, nông dân tham gia BHYT. Đồng thời, phấn đấu mỗi năm vận động được 2-3% lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh, với mạng lưới tổ chức Hội Nông dân ở 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ có đến 1.579 cơ sở Hội, 10.334 chi Hội và 63.679 tổ Hội; hiện có 2.625.767 hộ gia đình nông dân tương đương với khoảng hơn 10 triệu nông dân;… thì đây chính là một trách nhiệm lớn, đòi hỏi Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với cơ quan BHXH các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến với hội viên, nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra.
4 giải pháp quan trọng
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu về tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực ĐBSCL, đảm bảo hoàn thành mục tiêu chung về BHXH, BHYT được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 21 thì trong thời gian tới chúng ta cần tập trung triển khai một số giải pháp:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Đồng thời, ngay trong cuối năm nay, BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với HĐND các cấp, đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương. Và kiến nghị để cấp ủy Đảng các cấp coi nội dung này là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị tại địa phương.
Hai là, BHXH các địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Hội Nông dân các cấp cũng như vai trò của các Đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình Hội viên, đoàn viên các cơ quan đoàn thể.
Ba là, chủ động hơn nữa trong việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các Đại lý thu BHXH tại các địa phương, đơn vị.
Bốn là, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, BHYT, nhất là ban hành những quy định để đảm bảo việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền lợi mà người tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng. Kịp thời xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT để củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về chính sách BHXH, BHYT- hai chính sách trụ cột trong hệ thộng an sinh xã hội của đất nước.