4 năm dốc sức lo nhà chồng, "tay trắng" trước án tù

 

Bước ra khỏi phòng xử, chị vừa đi vừa quệt những giọt nước mắt buồn tủi đang thi nhau rơi ra. Buồn cho phận mình, buồn cho cả nhân tình thế thái mà bây giờ chị mới hiểu... Bốn năm làm vợ một lòng một dạ, giờ ngay cả chồng cũng trở mặt hắt hủi... Chị bảo sao mà mình dại quá. Tình nghĩa vợ chồng sao chẳng bằng vài chục triệu đồng lúc khốn khó...

Một lòng vun vén cho nhà chồng, chỉ vì một phút nông nổi phạm tội, người phụ nữ ấy đã mất sạch. Chồng lạnh lùng ngoảnh mặt, tương lai của chị lại đang phải đối diện với song sắt nhà tù…
Năm nay mới 27 tuổi, chị NTBT nhìn đã già dặn như một người trung niên. Bốn năm trước, chị lên xe hoa với một người thua chị một tuổi. Chồng chị vốn là con út. Người ta nói “giàu con út, khó con út”, thật không may mắn là anh lại rơi vào vế sau.
Anh chị được ở căn nhà thừa tự nhưng người cha quanh năm nằm trên giường vì những căn bệnh mạn tính như tiểu đường, thấp khớp. Vì vậy anh không đi làm đâu xa được, chỉ quanh quẩn ở nhà để trông chừng cha. Hàng xóm kêu gì thì làm nấy, được đồng nào hay đồng ấy…
1. Mọi gánh nặng sinh hoạt gia đình dồn lên đôi vai gầy guộc với khoản lương công nhân còm cõi của chị. Chị phải xin tăng ca liên tục. Khổ một nỗi, trong nhà còn có thêm hai người anh chồng bị vợ con ruồng rẫy, nghĩ còn cha đó, còn nhà đó nên dọn về ở luôn. Đã thêm hai miệng ăn, họ lại còn suốt ngày vật vờ chè rượu.
Người chị chồng (cũng làm công nhân cùng công ty với chị) đã lập gia đình ở riêng gần đó nhưng cuộc sống cũng không khấm khá gì. Ở riêng nhưng vì chỗ ở không có nhà vệ sinh riêng nên giặt giũ, tắm rửa, vệ sinh đều luân phiên lui tới. Nhiều lúc mọi người còn phải xếp hàng mà chờ đợi nhau.
Thấy gia đình người chị chồng gặp bất tiện, chị đề nghị hỗ trợ tiền cho người chị xây nhà vệ sinh riêng. Nào ngờ người chị tự ái, tưởng em dâu khinh mình không có tiền. Thế là chị em mâu thuẫn với nhau.
Chuyện gia đình mà chuyện bé rồi lại xé thành to. Sáng 22/8/2011, khi cả hai gặp nhau tại cổng công ty lại tiếp tục cãi vã rồi ẩu đả. Bị người chị chồng giật tóc, xé áo trước mặt bao nhiêu người, sẵn có dao lam mang theo để cắt chỉ may trong túi áo, chị đã rạch mặt người chị chồng gây thương tật 15%.
Theo quy định, hành vi của chị đã phạm tội cố ý gây thương tích. Tháng 11/2012, TAND huyện Củ Chi (TP.HCM) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt chị một năm sáu tháng tù sau khi cân nhắc nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã bồi thường một phần thiệt hại, là lao động chính trong gia đình, thành khẩn khai báo, phạm tội trong trường hợp bị kích động, gia đình có công cách mạng… Ngoài ra, tòa buộc chị phải bồi thường cho người chị chồng 20 triệu đồng (trước đó chị đã bồi thường được 5 triệu đồng).
Chị kháng cáo xin được hưởng án treo. Ngày 16/1/2013, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, nhận định chị không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới nên y án sơ thẩm.
2. Bước ra khỏi phòng xử, chị vừa đi vừa quệt những giọt nước mắt buồn tủi đang thi nhau rơi ra. Buồn cho phận mình, buồn cho cả nhân tình thế thái mà bây giờ chị mới hiểu.
Ngày đó, sau khi xảy ra vụ việc, chị sợ mình sẽ phải đi tù thì không ai lo lắng cho chồng, cho cha nên vét hết số tiền tiết kiệm đóng hụi để mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong nhà, mua lương thực, thuốc men dự trữ… và khắc phục một phần hậu quả. “Mình thương ảnh, cũng thương luôn gia đình ảnh. Vợ chồng lúc khốn khó lo cho nhau là đúng lẽ đời, nào ngờ…”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, có người chỉ cho chị nếu khắc phục hết hậu quả thì có thể được tòa phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo cho hưởng án treo. Khổ một nỗi lúc này tiền đã cạn. Có người thương tình cho mượn tiền với điều kiện là cả hai vợ chồng phải cùng ký vào. Chị về nói với chồng, anh nhất định không ký, lạnh lùng bảo chị tự lo liệu lấy, chứ anh không muốn mang nợ vào thân.

Chị giận lắm. Bốn năm làm vợ một lòng một dạ, giờ ngay cả chồng cũng trở mặt hắt hủi. Chị quyết định ly thân, dọn ra riêng, chồng cũng bỏ mặc, cắt đứt liên lạc, đến phiên xử phúc thẩm này cũng không thấy mặt mũi đâu.

Chị vừa kể vừa nước mắt rưng rưng, chị bảo sao mà mình dại quá. Tình nghĩa vợ chồng sao chẳng bằng vài chục triệu đồng lúc khốn khó. Rồi chị vội quày quả ra về bởi sợ đường xa lại lỡ chuyến xe buýt…

Theo Pháp luật TP HCM

Đọc thêm