Ẩn dấu đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Ai thắng Ai trong cuộc chiến 5G?

(PLVN) - Năm 2019 sẽ là một năm đánh dấu khởi đầu cho một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật hết sức quan trọng. Đây cũng là một năm bản lề cho sự nâng cấp hệ thống mạng không dây lên 5G. Và điều này sẽ được bắt đầu trong một vài tháng tới.


Ẩn dấu đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:  Ai thắng Ai trong cuộc chiến 5G?

Công nghệ 5G là gì?

5G (Thế hệ mạng di động thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G. Mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. 

Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà giống như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Người ta có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực.

Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet, trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo.

Khi phát triển mạng không dây 5G, người ta có thể tải một bộ phim về máy để xem chỉ với vài giây đồng hồ. Bình thường mạng 4G tải một bộ phim như vậy sẽ cần khoảng hơn 6 phút.

 

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tốc độ đáng chú ý và quan trọng nhất của công nghệ này, mà nó còn một kiểu tốc độ khác được cải thiện đáng nể. Nếu như trước đây, người dùng điện thoại khi lướt vào một trang mạng nào đó và đưa ra một chỉ lệnh như tìm kiếm sản phẩm trong trang thương mại điện tử chẳng hạn thì cần phải có thời chờ đợi nửa giây hoặc một giây mới hoàn thành. Đây là vấn đề thường thấy của công nghệ cũ do tín hiệu thường phải truyền tải qua các trung tâm trao đổi dữ liệu của các nhà kinh doanh.

Công nghệ 5G thì khác, nó đã được nâng cấp về kỹ thuật mạng và được thiết kế chỉ bị trễ 0,01 giây là bạn có thể tìm thấy những thứ mình cần. Đồng thời, nó cũng được thiết kế để tín hiệu được truyền tải một cách đáng tin cậy hơn so với trước đây. Nó đã không còn bị mất dữ liệu trong quá trình chơi điện tử và xem phim như trước nữa.

Có thể nói mạng 5G là bước nhảy vọt so với công nghệ 4G mà chúng ta đang sử dụng và được các quốc gia cực kỳ quan tâm. Chính vì vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi đây là lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Nói một cách dễ hiểu thì 5G là bộ quy tắc cơ sở kỹ thuật, nó định nghĩa về phương thức hoạt động của mạng không dây thế hệ thứ 5. Bao gồm cả việc các linh phụ kiện như tần số vô tuyến điện, nhân xử lý máy tính, hệ thống ăng ten xử lý dữ liệu và tín hiệu vô tuyến điện như thế nào.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi điện thoại được ra mắt, các kỹ sư đã liên tục nghiên cứu để đưa ra một bộ quy phạm mới về mạng không dây, đồng thời họ ấn định cứ 10 năm sẽ nâng cấp lên một cấp độ kỹ thuật mới. Cũng đồng nghĩa với việc, cơ sở hạ tầng trang thiết bị cũng cần phải thay mới để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ truyền tải cho người dùng, đồng thời người dùng cũng phải mua điện thoại dùng mạng 5G.

Mạng 5G nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G.
Mạng 5G nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G. 

Sự cải tiến công nghệ này đem lại rất nhiều lợi ích, có thể nói là nó sẽ đặc biệt thành công trong lĩnh vực thực tế ảo. Kỹ thuật thực tế ảo là một loại trải nghiệm ảo được thiết lập thông qua hệ thống máy tính. Dùng máy tính để tạo ra một môi trường ảo giống như thật.

Trước đây người trải nghiệm kỹ thuật này phải đeo thiết bị nặng nề thì mới có hình ảnh 3D chất lượng tốt nhất được nối dây từ một chiếc máy tính gần đó. Tới đây, công nghệ 5G có thể liên kết với các thiết bị máy khác, người sử dụng có thể di chuyển tự do một cách thoải mái và có thể chỉ cần đeo một chiếc kính với kích thước nhỏ hơn.

Trong lĩnh vực thể thao, người xem một trận bóng đá tại sân có thể vừa trực tiếp xem một trận bóng đá vừa có thể thông qua màn hình để theo dõi các số liệu thống kê của các động viên đang thi đấu trên sân hoặc các số liệu thống kê khác.

Trong lĩnh vực y tế, ảnh hưởng của nó còn tích cực hơn nhiều, đó là trong công tác phẫu thuật trực tiếp, độ trễ của hình ảnh là một trở ngại rất lớn, dễ dẫn đến sai sót, và công nghệ này có thể khắc phục được vấn đề trên. Bác sĩ chỉ đạo ở phía đầu bên kia có thể lập tức nhìn thấy những hình ảnh từ phía bên kia.

Công nghệ này có thể sẽ được triển khai trong năm 2019, sau khi Mỹ triển khai, các quốc gia tiếp theo sẽ là Anh, Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia.

Cuộc chiến 5G

Đối với hầu hết các nhà mạng viễn thông trên toàn thế giới, 5G là một dấu mốc vô cùng quan trọng. Chính bởi vậy, cuộc đua phủ sóng 5G của các nhà mạng, cũng như “trận chiến” để sản xuất ra những thiết bị sẵn sàng hỗ trợ công nghệ 5G cũng càng trở nên cam go hơn.

Theo thống kê mới đây, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ xây dựng được hơn 350 tháp sóng phục vụ công nghệ mới này. Trong khi đó Mỹ số trạm mà Mỹ xây dựng được chưa bằng 10% so với Trung Quốc. Vì thế, theo dự báo Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á có thể tạo ra “cơn sóng thần 5G”, khiến Mỹ quan ngại trước nguy cơ chậm chân hơn.

Điều này thể hiện ở việc hiện tại Mỹ mới xây khoảng 5 cột/10.000 dân, thì ở Trung Quốc là 14 cột/10.000 dân. Đây cũng là mục tiêu quan trọng để Trung Quốc dùng làm bàn đạp cho việc triển khai chiến lược “Made in China 2025”. Chỉ tính riêng trong năm 2017, China Tower, nhà điều hành cột tháp di động Trung Quốc đã xây 460 cột tháp/ngày. Bắc Kinh dự kiến sử dụng 5G trên diện rộng từ năm 2020. Trung Quốc hiện cũng đang là nước dẫn đầu trong việc ứng dụng 5G, Hàn Quốc xếp thứ hai và tiếp sau là Mỹ và Nhật Bản.

Chính vì thế, ngay từ hồi đầu năm 2018 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngăn cản thương vụ Broadcom mua Qualcomm sau khi quan chức Mỹ cảnh báo giao dịch có thể mang lợi thế lớn về 5G cho Trung Quốc.

Theo quan điểm của Declan Ganley, CEO của công ty viễn thông Rivada Networks, “cuộc đua ai sẽ định hình và kiểm soát mạng 5G” chính là một phần của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Công nghệ này có ý nghĩa lớn về mặt chiến lược, đóng vai trò quan trọng hơn cả các tuyến vận tải đường biển hay kiểm soát vùng trời.

5G là nguyên nhân chính của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc
5G là nguyên nhân chính của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc 

Cũng theo ông Ganley, mô hình phân phối tần số cho các nhà mạng di động của Mỹ thông qua đấu thầu quang phổ và quy trình đấu giá do Ủy ban Truyền thông Liên bang tổ chức đang tỏ ra không hiệu quả bởi mặt trái của lợi nhuận đã hạn chế đầu tư cho sáng tạo.

Trong khi ở Trung Quốc, chỉ có 2 đến 3 doanh nghiệp nhà nước lớn nhận được sự hậu thuẫn cực mạnh từ Chính phủ, sẽ tiếp tục đầu tư cho sáng tạo, khiến họ có lợi thế để vươn lên dẫn trước các công ty viễn thông Mỹ trong cuộc đua 5G. Vì thế, Theo ông Ganley nếu Mỹ cũng làm như vậy thì có thể vượt qua Trung Quốc trong công nghệ 5G.

Theo quan sát của Kelsey thì nội các của ông Trump đã có những dấu hiệu ủng hộ một chính sách như vậy. Cuộc đua 5G đang chuyển biến rất nhanh và Mỹ có thể phải nhanh chóng áp dụng mô hình mới nếu không muốn thua cuộc trước Trung Quốc.

Theo nhận định của CNBC, một trong những động lực chính khiến cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài và chưa có hồi kết là do công nghệ chủ chốt 5G. Công nghệ 5G vừa có ý nghĩa quan trọng đối với cam kết của ông Donald Trump là đưa “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cũng như tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) theo chiến lược “Made in China 2025” của ông Tập Cận Bình.

Hiện nay cuộc đua thực sự nằm ở cuộc cạnh tranh chiếm lấy ngôi vị dẫn đầu công nghệ 5G giữa các tập đoàn thiết bị viễn thông như ZTE, Huawei (Trung Quốc) với các công ty Qualcomm, Intel (Mỹ), Nokia và Ericsson (EU) và các nhà mạng... Tại Việt Nam, hiện mạng 3G đang vận hành rộng rãi, 4G đang trong quá trình triển khai, thì các nhà mạng lớn cũng đã đặt mục tiêu đến 2020 sẽ phủ sóng 5G.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đăng trên Tờ The Guardian mới đây cho rằng: “Trung Quốc sắp chiến thắng chứ không phải Mỹ. Họ đã có 5G. Họ đã tìm ra cách”. Không chỉ bỏ xa Mỹ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn đang tìm cách tác động đến các nước khác trên phương diện công nghệ 5G. Huawei đang ráo riết vận động hành lang ở Australia và cũng hợp tác với một công ty ở Bồ Đào Nha để triển khai mạng lưới 5G tại đây.

Theo Joe Madden, CEO của công ty nghiên cứu Mobile Experts, các công ty Trung Quốc đang bắt đầu tăng cường sản xuất các linh kiện chủ chốt với các nhà cung ứng của họ. “Chúng tôi nghe được từ ít nhất 10 nhà cung cấp khác nhau rằng, Trung Quốc có thể sớm triển khai mạng 5G vào đầu năm 2019 chứ không phải tháng 7/2019 như đã công bố trước đó”.

Theo số liệu WIPO thì số đơn xin cấp bằng sáng chế mà các doanh nghiệp Trung Quốc nộp lên đã tăng 13,4% trong năm 2017, so với mức tăng chỉ đạt 0,1% của các doanh nghiệp Mỹ. Trong đó, Huawei và ZTE nộp nhiều đơn nhất. Điều đó giải thích vì sao các công ty di động và viễn thông lớn của Trung Quốc trở thành mục tiêu tấn công của ông D. Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Mạng viễn thông 5G đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng về an ninh quốc gia. Theo đó, ZTE đã bị cấm mua các sản phẩm làm ra bởi các công ty Mỹ, China Mobile bị tước quyền cung cấp dịch vụ cho thị trường Mỹ; Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo người Mỹ không nên mua điện thoại Huawei vì có thể bị theo dõi.

Hồi tháng 8, ông Donald Trump ký ban hành Đạo luật NDAA-2019, trong đó có khoản mục “Cấm mọi cơ quan chính phủ và các thực thể có quan hệ với Chính phủ sử dụng sản phẩm hoặc giao dịch với hai công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc”; Ngày 1/12, nữ giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) Bà Mạnh Vãn Chu đã bị Canada bắt giữa theo yêu cầu của Mỹ…

Như vậy, 5G là tụ điểm, là cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Bắc Kinh đã tỏ rõ tham vọng lớn trong chiến lược “Made in China 2025”. Trong khi đó, Washington với chiến lược “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” và nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà bằng cả sức mạnh công nghệ tiên tiến nhất. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, câu trả lời “ai thắng ai” trong cuộc chiến 5G vẫn còn đang ở phía trước.

Việt Nam sẽ thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019

Theo kế hoạch, nhà mạng Viettel sẽ thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam vào năm 2019 nhưng đến 2021 người dùng mới có thể tiếp cận được công nghệ này.

Năm 2019, Việt Nam dự kiến sẽ mở băng thông để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Bám sát chủ trương của Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TTTT), ông Tào Đức Thắng, PTGĐ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết Viettel sẽ tham gia thử nghiệm này.

“Viettel đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm 5G năm 2019. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TTTT dự kiến sử dụng cho 5G”, ông nói.

Bên cạnh đó, Viettel cũng nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G. Viettel cho biết đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Đến nay, tập đoàn đã đạt được một số kết quả như làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G.

Ông Thắng cho biết thêm, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021.

Theo tầm nhìn của Qualcomm, Nokia, Samsung và những công ty đang phát triển 5G, mạng di động 5G sẽ thúc đẩy công nghệ xe tự lái, kết nối vạn vật và điện toán đám mây lên một tầm mới. Hiện tại, rất ít thiết bị đầu cuối trên thị trường hỗ trợ mạng 5G, nên công nghệ này hiện chưa tiếp cận đến người dùng phổ thông trên thế giới nói chung. Với những nhu cầu cơ bản của người dùng hiện nay, 4G vẫn đáp ứng đủ.

Tại Việt Nam, những "đầu ra" của 5G cũng chưa hình thành, thiếu môi trường để ứng dụng. Do đó, việc thử nghiệm chỉ mang tính chuẩn bị cho làn sóng công nghệ trong tương lai gần. Ngoài Viettel, các ISP trong nước còn lại chưa công bố lộ trình thử nghiệm 5G.