Án để ngỏ

(PLVN) - Tổ chức Nhà báo không biên giới đã gửi tới Viện Công tố nhà nước Đức yêu cầu truy tố trước tòa án Đức một số quan chức cao cấp của chính quyền Ả-rập Xê-út, trong đó có cả thái tử Mohammed bin Salman, người được coi là uy quyền nhất hiện tại và sẽ trở thành vua của vương triều trong tương lai ở Ả-rập Xê-út. 
Người biểu tình cầm giơ ảnh nhà báo Jamal Khoshaggi.
Người biểu tình cầm giơ ảnh nhà báo Jamal Khoshaggi.

Tổ chức này gửi kèm tập tài liệu dày 300 trang bao gồm thông tin, phỏng vấn, điều tra, chứng cứ và kết luận của tổ chức về những chính sách, biện pháp và hành động của chính quyền Ả-rập Xê-út nhằm vào các nhà báo và phóng viên ở vương triều này, còn cả chi tiết về vụ việc nhân viên mật vụ Ả-rập Xê-út sát hại nhà báo Jamal Khoshaggi tại trụ sở tổng lãnh sự quán Ả-rập Xê-út ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà báo này là người Ả-rập Xê-út làm việc cho tờ nhật báo Washington Post. 

Mới đây, tân tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đồng ý cho công khai bản báo cáo kết quả điều tra của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) về vụ việc nói trên xác nhận mật vụ Ả-rập Xê-út sát hại ông Khoshaggi.

Ở nước Đức bộ luật về truy cứu trách nhiệm đối với những tội chống lại luật pháp quốc tế có từ năm 2002, trong đấy ghi có định nghĩa cụ thể những trường hợp vi phạm luật pháp quốc tế bị coi là những tội ác chống lại nhân loại. Tổ chức Nhà báo không biên giới khởi kiện chính quyền Ả-rập Xê-út ở nước Đức chính vì nước này có bộ luật hữu dụng kia, không khởi kiện ở Tòa án Hình sự quốc tế của LHQ vì Ả-rập Xê-út không tham gia tòa án này.

Theo bộ luật nói trên, phía công tố nhà nước và tòa án ở nước Đức có thể truy tố những cá nhân về cả những hành động của họ chống lại luật pháp quốc tế ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước Đức và không nhằm trực tiếp vào nước Đức.

Phía Đức hiện rất khó xử bởi dựa theo luật này thì phải tiếp nhận và xử lý vụ kiện, nhưng nếu tiếp nhận xử lý vụ kiện, cho dù kết cục cuối cùng sau này có như thế nào thì cũng đều ảnh hưởng tiêu cực rất đáng kể tới mối quan hệ chính trị ngoại giao và hợp tác kinh tế, thương mại bởi Ả-rập Xê-út là một trong những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Đức ở khu vực vùng Vịnh và trong thế giới Ả-rập. 

Ở đâu cũng vậy, mọi vụ án đụng chạm đến chức sắc cấp cao đều là kỳ án, động chạm tới đích thân vị thái tử kia thì lại càng thế. Nhưng vì sự khó xử nói trên mà kết cục của kỳ án này sẽ bị để ngỏ. Nếu xét xử về không đảm bảo tự do ngôn luận và báo chí ở Ả-rập Xê-út, tòa án Đức không thể không truy tố và xét xử vị thái tử kia.

Nếu tòa muốn tránh động chạm tới vị thái tử kia thì không thể đồng ý đưa vụ khởi kiện của Tổ chức Nhà báo không biên giới ra xét xử. Án này sẽ bị để ngỏ về phương diện tư pháp bằng một quyết định chính trị nào đấy.

Đọc thêm