Ấn Độ quyết tâm không phụ thuộc vào nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, chính phủ Ấn Độ đã thể hiện quyết tâm xây dựng chính sách cấm hoàn toàn đồ nhựa dùng một lần trên phạm vi lãnh thổ vào cuối năm 2022. Động thái của đất nước đông dân thứ nhì thế giới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cuộc chiến chống rác thải nhựa toàn cầu. 
Người dân Ấn Độ thu gom nhựa.
Người dân Ấn Độ thu gom nhựa.

Mỗi ngày tạo ra 26.000 tấn rác nhựa

Ngày 13/3/2021, Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu đã công bố dự thảo kế hoạch thực hiện lệnh cấm nhựa dùng một lần trong toàn bộ các hoạt động sản xuất, sử dụng, mua bán, nhập khẩu và lưu thông các mặt hàng nhựa. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến người dân.

Theo đó, đại diện của Bộ cho hay: “Các nhà sản xuất, chủ thương hiệu đã có đủ thời gian để tìm các giải pháp thay thế như sử dụng nhựa có thể phân huỷ được hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường khác”. Dự thảo này cũng nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước Liên Hợp Quốc rằng đất nước này sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2022.

Cụ thể, kế hoạch thực hiện lệnh cấm bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, có hiệu lực từ ngày 30/09/2021, toàn bộ các túi nhựa lưu hành trên thị trường làm bằng nhựa thường hoặc nhựa tái chế phải có độ dày hơn 120 micron – mục tiêu của quy định này nhằm cải thiện khả năng thu gom, tái chế túi nhựa đã qua sử dụng.

Mặt khác, túi làm bằng nhựa có thể phân huỷ hoặc phân huỷ sinh học được, không bị áp yêu cầu về độ dày. Tuy nhiên loại nhựa này thường đắt hơn nhựa thông thường, buộc các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải tính toán các giải pháp thay thế dựa trên thiên nhiên, đáp ứng được cả về khía cạnh kinh tế, khía cạnh môi trường.

Lệnh cấm nhựa dùng một lần áp dụng trên toàn quốc với các sản phẩm túi nhựa, dao, thìa, nĩa, đĩa nhựa, ống hút …
 Lệnh cấm nhựa dùng một lần áp dụng trên toàn quốc với các sản phẩm túi nhựa, dao, thìa, nĩa, đĩa nhựa, ống hút …

Gia đoạn thứ hai, dự kiến bắt đầu từ ngày 01/01/2022, Ấn Độ sẽ tiến hành cấm sáu loại nhựa sử dụng một lần trên phạm vi toàn quốc, bao gồm que nhựa khuấy cà phê; que nhựa gắn kèm bóng bay; cờ nhựa; thanh kẹo que, kem que bằng nhựa; các sản phẩm nhựa PS (polystyrene) để trang trí sự kiện. 

Giai đoạn thứ ba, bắt đầu từ ngày 01/07/2022, lệnh cấm về cơ bàn sẽ hoàn thiện một danh sách, bao gồm tất cả các loại đồ nhựa dùng một lần có thể cấm như: dao, thìa, khay, đĩa nhựa, bao bì nhựa, ống hút, thiệp mời chứa nhựa, bao ni lông ngoài bao thuốc lá, biểu ngữ bằng nhựa PVC có độ dày dưới 100 micron….

Đây là một nỗ lực đáng chú ý của giới chức Ấn Độ trước những diễn biến phức tạp của “ô nhiễm trắng” trong hàng thập kỉ qua. Mặc dù Ấn Độ không phải là nước gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới, nhưng nhiều năm qua, hệ thống quản lý chất thải tại nước này đã bị chỉ trích, do chất lượng sức khoẻ và chất lượng cuộc sống người dân không cao. Theo thống kê, đất nước hơn một tỷ dân này tạo ra khoảng 26.000 tấn rác nhựa mỗi ngày, phần lớn trong số đó đổ vào các bãi rác, trên đường phố, cuối cùng tràn ra sông, hồ, biển. 

Đáng nói, từ sau tuyên bố của Thủ tướng vào năm 2018, có khoảng 19 tiểu bang đã áp đặt lệnh cấm đối với một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, các quy định cấm mới chỉ dừng ở việc khuyến khích thực hiện, có nơi tuân thủ tốt, có nơi không tuân thủ hoặc làm đối phó. Trong số đó, bang Maharashtra - bang lớn thứ ba về diện tích, lớn thứ nhì về dân số tại Ấn Độ, là một trong những bang đầu tiên áp dụng lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần vào tháng 3/2018. 

Ban đầu, các cơ quan công quyền đã cử cán bộ trực tiếp nhắc nhở người dân, thu giữ những vật liệu bị cấm, nhưng không áp dụng án phạt. Sau này, để thắt chặt việc thực hiện, thanh tra môi trường sẽ kiểm tra một số địa điểm công cộng, tụ tập đông người như nhà ga, chợ, các gánh hàng rong… theo dạng kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất. Những người không tuân thủ có thể bị phạt tiền từ khoảng 5s000 Rs – 25.000 Rs (khoảng từ 1, 5 - 7,5 triệu đồng) đồng thời bị thu giữ toàn bộ các vật liệu bị cấm. Theo các cơ quan chức năng, việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên không phải để thu tiền phạt mà để nâng cao ý thức thực hiện lệnh cấm của người dân.

Cùng với đó, chính quyền bang cũng tổ chức các cuộc thi về chủ đề cấm đồ nhựa, khuyến khích học sinh ký gửi đồ nhựa, cam kết từ bỏ thói quen dùng nhựa một lần. Mặc khác, chính quyền từ cấp bang đến cấp cơ sở đều phải bổ nhiệm ít nhất một cán bộ chuyên trách, có số điện thoại đường dây nóng 24 giờ để giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân về việc tàng trữ, sử dụng và vận chuyển các mặt hàng bị cấm.

Lo ngại chính sách cản trở kinh tế

Mặc dù quyết tâm là vậy, quá trình để giới chức Ấn Độ đưa đến quyết định này không hề dễ dàng. Đề xuất cấm nhựa trên toàn quốc được cho là sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ. Đáng lẽ lệnh cấm quốc gia đã phải được ban hành vào ngày 02/10/2019, nhưng lệnh cấm đã bị hoãn lại bởi sự phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp nhựa nước này. Kể cả ở bang Maharashtra, sau thời gian đầu làm căng thẳng, càng về sau, quản lý lại càng lỏng lẻo, người dân lại thấy nhựa dùng một lần được tự do bày bán trên thị trường.

Theo một thống kê năm 2020, ngành công nghiệp nhựa ở Ấn Độ trị giá hàng chục tỉ đô la Mỹ, với khoảng 15 nhà sản xuất polyme quy mô lớn, hơn 30.000 đơn vị chế biến nhựa, hơn 7.000 đơn vị tái chế, cùng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp. Theo đó, lệnh cấm sẽ cắt giảm lượng tiêu thụ nhựa hàng năm từ 5–10%, tác động mạnh mẽ đến cơ cấu ngành công nghiệp nhựa nước này. 

Đất nước Ấn Độ tạo ra 26.000 tấn nhựa hàng ngày.
Đất nước Ấn Độ tạo ra 26.000 tấn nhựa hàng ngày.  

Kể từ khi có đề xuất cấm nhựa dùng một lần, nhiều doanh nghiệp đã vận động mạnh mẽ để chống lại chính sách này, đồng thời đàm phán các điều kiện miễn trừ cho sản phẩm của họ. Một số công ty cũng lo ngại lệnh cấm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và khiến rất nhiều lao động mất việc. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi vẫn chưa có lộ trình rõ ràng, quyền lợi của người kinh doanh và người lao động chưa được bảo đảm chắc chắn. 

Chính vì sự phản đối kịch liệt này, chính phủ Ấn Độ đã hoãn lại ý định ban hành lệnh cấm vào năm 2019, chứng tỏ sự ưu tiên về mặt kinh tế. Tuy nhiên, quyết định này của chính phủ lại vấp phải sự phản đối khác đến từ các tổ chức môi trường. Ông David Ayer – Giám đốc chiến dịch “Chấm dứt ô nhiễm nhựa” của Mạng lưới Ngày Trái Đất phát biểu trước truyền thông: “Việc thu gom và tái chế đang tạo áp lực to lớn lên người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khuyến khích thu gom, tái chế không khiến các nhà sản xuất hạn chế làm ra nhựa mà còn khuyến khích họ làm ra nhiều nhựa hơn. Vấn đề này không phải là lỗi của từng cá nhân mà là lỗi của cả một hệ thống, kéo dài toàn bộ chu trình của sản phẩm nhựa. Vì vậy, cần chính sách quốc gia để khắc phục vấn nạn ô nhiễm nhựa từ cốt lõi”.

Theo các tổ chức môi trường nước này, phải có những quyết định táo bạo và tham vọng hơn nữa mới tạo ra sự thay đổi, giúp đất nước Ấn Độ vượt qua mối đe doạ từ “ô nhiễm trắng”. Cho đến nay, “gã khổng lồ” Nam Á một lần nữa quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Ấn Độ Modi đặt ra vào năm 2018. Đã đến lúc nền kinh tế và xã hội đất nước này có thể “vượt qua” sự phụ thuộc vào nhựa, hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài. 

Đọc thêm