Ấn Độ vì sao nên nỗi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những ngày này, Ấn Độ đã thay thế Mỹ và châu Âu làm tâm điểm của diễn biến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Chỉ tính riêng trong ngày 2/5, Ấn Độ ghi nhận trên 50% số ca mắc trên thế giới trong ngày. 
Người dân tại Mumbai, Ấn Độ chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. (ảnh: AP).
Người dân tại Mumbai, Ấn Độ chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. (ảnh: AP).

Số người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh hàng ngày leo thang từ mức độ kỷ lục này đến mức độ kỷ lục khác và vượt xa tất cả mọi nơi khác trên thế giới mà vẫn chưa thấy có bất cứ dấu hiệu suy giảm nào. Những hình ảnh và thông tin về dịch bệnh ở Ấn Độ gây nhức nhối và hoảng hốt về khả năng lây lan và mức độ hoành hành tai hại của dịch bệnh.

Thế giới bên ngoài đã dùng đến cụm từ “vỡ trận” để miêu tả và đánh giá về công cuộc ứng phó dịch bệnh ở Ấn Độ. Tình trạng này ở Ấn Độ gây bất ngờ lớn bởi Ấn Độ được coi là công xưởng lớn nhất thế giới về sản xuất vaccine phòng ngừa dịch bệnh và ứng phó thành công làn sóng dịch bệnh đầu tiên.

Có nhiều nguyên nhân đồng thời tác động đẩy đất nước này vào thảm trạng hiện tại. Nguyên nhân trước tiên và cũng quyết định nhất là sự chủ quan của người dân và chính quyền sau khi giành được những thành tựu ban đầu trong công cuộc ứng phó dịch bệnh. Chủ quan nên lơi lỏng mức độ quyết liệt trong phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Tụ tập đông người và không đeo khẩu trang chẳng khác gì lời mời chào dịch bệnh xâm nhập đến và lây lan rộng. 

Ở Ấn Độ, các hoạt động tụ tập đông người thường với quy mô vô cùng lớn và nhiều khi lại ở nơi mà điều kiện môi trường sinh thái vô cùng thuận lợi cho dịch bệnh lây lan - như tắm trên sông Hằng. Ở đây có chuyện ý thức của người dân và trách nhiệm của chính quyền. Người dân nhiều khi để cho tình cảm lấn át lý trí trong khi chính quyền coi nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hay không dám nhắc nhở người dân cần phải suy nghĩ khác, ứng xử khác và hành động khác ở thời dịch bệnh.

Rồi một khi dịch bệnh trở thành khủng hoảng dịch tễ thật sự thì chuyện cung ứng vaccine, tiến hành tiêm chủng và chạy chữa đều bộc lộ bất cập và yếu kém. Không có nơi nào trên thế giới này có hệ thống y tế, bệnh viện và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng có đủ khả năng để đối phó với mức độ lây nhiễm dịch bệnh như ở Ấn Độ hiện tại. Tình trạng quá tải này khiến cho mức độ hoành hành của dịch bệnh thêm trầm trọng. 

Thực tiễn ở mọi nơi trên thế giới trong công cuộc đối phó dịch bệnh đến nay cho thấy làn sóng dịch bệnh sau gây nguy hại khủng khiếp hơn làn sóng dịch bệnh trước. Nhưng càng về sau thì các nơi càng có thêm nhiều hơn nhận thức và kinh nghiệm cũng như tièn đề về vật chất và công nghệ để đối phó dịch bệnh.

Dù vậy, bài học xương máu đối với tất cả chứ không phải chỉ đối với riêng Ấn Độ là phải bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công cuộc ứng phó dịch bệnh, phải cảnh giác và chủ động ngăn ngừa dịch bệnh tái bùng phát và phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó hiệu quả hơn những làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Bài học đắt giá ở đây là tiến hành tiêm chủng nhưng ỷ lại vào đó để chủ quan. Điều đáng lo ngại ở Ấn Độ và đối với cả thế giới nữa là sự xuất hiện những biến thể virus dịch bệnh mới ở Ấn Độ.

Ấn Độ phải gồng mình trước làn sóng dịch bệnh hiện tại. Làn sóng này không những chỉ nguy hiểm và tai hại đối với Ấn Độ mà còn gây rủi ro rất lớn đối với cả thế giới. Nơi này hay nơi kia trên thế gới hiện tại hay sau này có thể chế ngự được dịch bệnh nhưng vẫn sẽ còn bị dịch bệnh tiếp tục đe doạ chừng nào trên thế giới vẫn còn một nơi tồn tại dịch bệnh. Không có ai trên thế giới được an toàn trước dịch bệnh này cho tới khi tất cả được an toàn.

Đọc thêm