Án lệ đem lại chiến thắng lịch sử cho cộng đồng LGBT Hoa Kỳ (kỳ 1)

(PLVN) - Trước kia, mối quan hệ tình ái giữa những người đồng tính, song tính, chuyển giới thường bị xã hội kì thị và pháp luật cấm đoán. Cho đến năm 2015, với phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép các cặp đồng giới trên toàn bộ 50 bang kết hôn theo quy định trong Hiến pháp nước này đã mang lại hạnh phúc cho cộng đồng LGBT ở đất nước này.
Jim Obergefell và John Arthur- cặp đôi đồng tính khiến cả nước Mỹ phải thay đổi
Jim Obergefell và John Arthur- cặp đôi đồng tính khiến cả nước Mỹ phải thay đổi

Ngày 26/6/2015, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã khiến cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính nam-nữ và chuyển giới) trên toàn nước Mỹ và thế giới bất ngờ, hạnh phúc khi đưa ra phán quyết cho phép các cặp đồng giới trên toàn bộ 50 bang kết hôn theo quy định trong Hiến pháp nước này. Chiến thắng từ vụ án lệ gây chấn động thế giới của cặp vợ chồng đồng tính Jim Obergefell và John Arthur là nguyên nhân chính giúp đưa ra phán quyết này.

Từng là mối quan hệ bị cấm

Bắt đầu từ những năm 1970, hôn nhân đồng giới ở Mỹ được đánh dấu bằng các vụ kiện tìm kiếm sự công nhận hợp pháp của các mối quan hệ đồng tính. Ngày 18/5/1970, hai người đàn ông là Jack Baker và Micheal McConell đã nộp đơn cho Thư ký Toà án Gerald R.Nelson tại Hạt Hennepin để yêu cầu đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, Thư ký Toà án này đã từ chối đơn vì hai người yêu cầu đăng kí kết hôn có cùng giới tính. Không đồng tình với quyết định đó, cặp đôi này đã khởi kiện Tòa án hạt Hennepin. Họ cho rằng, pháp luật vào thời điểm năm 1970 không hề có quy định cấm kết hôn đồng giới và họ hoàn toàn đủ điều kiện để đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 1, 4, 8 và 9 của Hiến pháp Mỹ.

Niềm vui của cộng đồng LGBT
Niềm vui của cộng đồng LGBT 

Dù vậy nỗ lực của họ đã thất bại, kể cả sau khi đã đệ đơn kháng cáo lên Toà án cấp cao. Sau đó, Baker và McConnell đã nộp đơn đăng kí kết hôn lại, lần này là tại Hạt Blue Earth và họ đã thành công trong việc xin giấy phép kết hôn. Điều này diễn ra ngay trước khi Tòa án Minnesota tạm dừng giấy phép kết hôn đối với các cặp đồng giới. Do đó, họ được xem như là “cặp đôi đồng giới đầu tiên kết hôn hợp pháp trong lịch sử”.

Đây có thể được xem như là một sự may mắn khi quyết định cấm kết hôn đồng giới năm 1972 “không hồi tố đối trường hợp của Baker và McConnell”. Bởi vì, hai người đã có được giấy đăng kí kể hôn và đã kết hôn “đủ sáu tuần” trước đó.   Mọi việc dần trở nên tồi tệ với cộng đồng LGBT khi vào năm 1977, luật của bang Colorado được thông qua với quy định rằng, hôn nhân là một mối quan hệ xuất phát từ một người nam và một người nữ.

Điều này kéo dài đến năm 1980, đã được hơn một nửa số bang tại Mỹ thông qua với quy định, kết hôn phải được xuất phát từ hai thực thể khác giới. Một thập kỷ sau, 40/50 bang và đến năm 1945 là 45/50 bang tại Mỹ đồng ý làm theo quy định cấm kết hôn đồng giới này.  Điều này đã đặt ra câu hỏi về quyền kết hôn dân sự và lợi ích cho các cặp đồng giới.

Đến được hợp pháp hóa

Suốt hơn 40 năm, phong trào giành quyền kết hôn của các cặp đôi đồng tính tại Mỹ mặc dù thời điểm ban đầu họ đã không thành công nhưng để lại sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng. Vấn đề về hôn nhân đồng tính ngày càng trở nên nổi bật trong chính trị Hoa Kỳ sau quyết định năm 1993 của Tòa án Tối cao Hawaii trong vụ kiện Baehr (đại diện cho 3 cặp đồng giới tại Hawaii) với Lawrence H.Miike (Giám đốc Y tế nhà nước của Hawaii) để yêu cầu được cấp giấy chứng nhận kết hôn. Dù nhận được sự ủng hộ của cộng đồng LGBT, nhưng phán quyết cuối cùng vẫn không đứng về phía 3 cặp đôi đồng tính. 

Đáng chú ý, dù không có được kết quả tốt nhưng khi đó Tòa án Hawaii khi đó đã phát hiện ra rằng theo điều khoản Bảo vệ bình đẳng của tiểu bang, việc từ chối giấy phép kết hôn đối với các cặp đồng giới đã cấu thành sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính mà Nhà nước yêu cầu sự bảo vệ nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy sự phản đối hôn nhân đồng giới có thể là vi phạm Hiến pháp. Mọi việc càng trở nên khó khăn hơn vào năm 1996, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ hôn nhân (Defense of Marriage Act - DOMA) và được Tổng thống Bill Clinton ký thành luật. DOMA đã cho phép mỗi tiểu bang lựa chọn có công nhận một cuộc hôn nhân đồng giới ở một tiểu bang khác hay không.

Kể từ khi DOMA được thông qua, hầu hết mọi tiểu bang đã tận dụng cơ hội bằng cách ban hành luật hoặc sửa đổi để tuyên bố hôn nhân đồng giới là không hợp lệ. Điều này được áp dụng ngay cả đối với các cặp vợ chồng kết hôn hợp pháp ở một bang khác. Thời điểm bấy giờ, việc DOMA và luật pháp của các bang không thừa nhận hôn nhân đồng giới, dù nội dung này chưa được tòa án kiểm tra tính hợp hiến đã trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Do đó, năm 2002, một văn bản nhằm mục đích sửa đổi Hiến pháp được đề xuất với tên gọi là Sửa đổi Hôn nhân liên bang (Federal Marriage Amendment - FMA) đã được trình ra trước Quốc hội của Mỹ. Việc sửa đổi sẽ định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông và một người phụ nữ và có thể được sử dụng để phủ quyết sự bảo vệ của các tiểu bang hoặc địa phương đối với các cặp đồng giới và con cái của họ. Để trở thành một phần của Hiến pháp Hoa Kỳ, FMA cần phải được 2/3 Quốc hội phê chuẩn.

Cuối cùng, văn bản FMA này đã được phê chuẩn bởi 3/4 các cơ quan lập pháp tiểu bang và càng gây khó khăn cho các cặp đôi đồng giới muốn được kết hôn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào đấu giành quyền kết hôn của người đồng giới Mỹ bắt đầu có kết quả vào ngày 17/5/2004, khi Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ. Massachusetts cũng trở thành khu vực tài phán thứ sáu trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Quyết định này của bang đã gây ra phản ứng từ những người phản đối hôn nhân đồng giới. Phong trào giành quyền kết hôn cho các cặp đồng giới đã mở rộng đều đặn từ thời điểm đó cho đến cuối năm 2014, các vụ kiện vẫn được đưa ra ở mọi tiểu bang. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn từ chối giấy phép kết hôn với các cặp đồng giới.

Dù vậy, bất chấp mọi phản đối, từ cuối năm 2014, hôn nhân đồng giới đã trở thành hợp pháp tại các bang có hơn 70% dân số Hoa Kỳ. Trong một số khu vực, pháp lý được hợp pháp hóa thông qua hành động của tòa án nhà nước hoặc ban hành luật pháp nhà nước. Thường xuyên hơn nó là kết quả của các quyết định từ tòa án liên bang.

Vào ngày 6/11/2012,  Maine,  Maryland và Washington đã trở thành các tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thông qua việc bỏ phiếu. Hôn nhân đồng giới đã được hợp pháp hóa trong quận Columbia. Trước khi được hợp pháp hóa toàn quốc, hôn nhân đồng giới đã trở thành hợp pháp ở 36 tiểu bang. Trong đó, 24 tiểu bang theo lệnh của tòa án, 9 tiểu bang bằng hành động lập pháp và 3 tiểu bang bởi trưng cầu dân ý.

(Đón đọc: Hôn nhân đồng tính ở xứ cờ hoa) 

Đọc thêm