Bạn có biết: Dân Thuỵ Điển tự sản xuất điện Mặt trời, ngắt kết nối với lưới điện quốc gia

(PLVN) - Một ngôi nhà, một chung cư, một khu dân cư biệt lập hoàn toàn bị ngắt kết nối với lưới điện quốc gia vẫn có thể tự sản xuất điện quanh năm từ việc “hút” năng lượng mặt trời. Điều đó có gì đặc biệt tại đất nước Thuỵ Điển? 
Thuỵ Điển là một trong những nước đi đầu về công nghệ xanh.
Thuỵ Điển là một trong những nước đi đầu về công nghệ xanh.

Ngôi nhà tự sản xuất năng lượng từ mặt trời

Năm 2017, chính phủ Thuỵ Điển thông báo sẽ giảm 98% thuế đối với các máy phát điện năng lượng tái tạo trên 255kW, khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra và triển khai nhiều giải pháp sáng tạo để khai thác năng lượng mặt trời một cách hiệu quả. 

Chung cư tự sản xuất năng lượng mặt trời ở quận Vallastaden, thành phố Linköping (miền Nam Thụy Điển) là một minh chứng. Được thiết kế và thi công bởi công ty kiến trúc Kjellgren Kaminsky, toà nhà cao sáu tầng này là một biểu tượng tuyệt đẹp cho nét thẩm mỹ truyền thống xứ Bắc Âu.

Đáng nói, toàn bộ vận hành trong toà nhà đều không cần tới lưới điện quốc gia mà nhờ rất nhiều tấm pin quang điện gắn trên mái nhà “hút” nguồn năng lượng từ mặt trời. Thậm chí, lượng điện do toà nhà sản xuất ra còn dư thừa để cung cấp cho lưới điện công cộng. 

Chung cư chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên tại Linköping (Thụy Điển).
Chung cư chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên tại Linköping (Thụy Điển). 

Quận Vallastaden tuy là một quận mới (công bố năm 2017) nhưng đến nay được biết tới là một khu dân cư bền vững, trở thành mô hình tiêu biểu cho các địa phương khác học theo. Điểm độc đáo trong phương thức quy hoạch đô thị này nằm ở chỗ tất cả các công trình xây dựng như nhà ở, biệt thự, chung cư, hay trung tâm thương mại đều được làm từ gỗ, nhựa di động và các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, thay vì dùng bê-tông.

Theo đó, tường trong nhà, cửa sổ, cửa ban công … đều có thể di chuyển được khi người dân muốn thay đổi kết cấu nhà ở. Điều này không chỉ khiến việc sửa chữa thuận tiện hơn mà còn góp phần giúp giảm thiểu rác thải xây dựng, tăng cường tái chế. 

Một công trình xây dựng nổi bật khác phải kể tới dự án “Không Mặt trời” (Zero Sun Project) của công ty Skellefteå Kraft cộng tác với Hans Olof Nilsson. Điểm đáng nói ở đây là điều kiện khí hậu ở Bắc Thuỵ Điển khiến cho rất nhiều dự án nhà ở phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng mặt trời hầu như không có “đất dụng võ”. Với đặc điểm, mùa đông lạnh giá kéo dài, nhiều tháng ít ánh nắng mặt trời, thậm chí nhiều ngày mặt trời không chiếu sáng, việc không sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch là một thách thức rất lớn. 

Dù vậy, các kiến trúc sư của dự án “Không Mặt trời” đã đưa ra lời giải của mình trên một ngôi nhà biệt lập có diện tích 150 mét vuông tại thành phố Skellefteå. Ngôi nhà không được kết nối với lưới điện và nguồn sưởi bên ngoài mà hoàn toàn vận hành chủ yếu nhờ năng lượng mặt trời.

Theo đó, năng lượng mặt trời được thu thập trong những tháng mùa hè, phần dư thừa được tính toán kĩ càng, đủ để dự trữ cho việc sử dụng trong mùa đông. Ngôi nhà chính thức hoàn thiện vào năm 2018, được quảng bá đến với người dân như một trải nghiệm nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường. 

Mặt khác, phía Tây Thuỵ Điển, khu phức hợp nhà ở Vårgårda cũng trở thành khu dân cư đầu tiên tự cung tự cấp điện năng. Bao gồm 172 căn hộ (tương đương 6 khu nhà) chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời và năng lượng hydro, đây là kết quả hợp tác ấn tượng giữa Better Energy (đại diện cho Đan Mạch) và Nilsson Energy (đại diện cho Thuỵ Điển).

Các tấm pin mặt trời trên các ngôi nhà tại Vårgårda hấp thụ ánh sáng mặt trời và chuyển nó thành năng lượng. Một phần năng lượng đi qua bộ biến tần, được thu vào pin dùng để chạy máy điện phân, nhằm tạo ra khí hydro từ nước. Sau đó năng lượng từ khí hydro cũng được chuyển hoá thành điện năng. Mặc dù, công nghệ này không phải mới nhưng dự án Vårgårda là hệ thống quy mô lớn đầu tiên trên thế giới sử dụng cả hai nguồn năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời và năng lượng hydro. 

Nền kinh tế vì khí hậu 

Không thể phủ nhận, trong thập kỷ qua, đất nước Thuỵ Điển đã trở thành một tấm gương mẫu mực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Năm 2016, chính phủ Thụy Điển tuyên bố đầu tư thêm 546 triệu USD cho các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo và ứng phó biến đổi khí hậu trong ngân sách. Mục tiêu của chính phủ là Thụy Điển sẽ sản xuất 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040, trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngôi nhà tự sản xuất năng lượng mặt trời ở Skellefteå.

Ngôi nhà tự sản xuất năng lượng mặt trời ở Skellefteå.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017-2019, chính phủ nước này đã “rót” thêm gần 60 triệu USD vào việc phát triển công nghệ năng lượng mặt trời, gấp 8 lần nguồn ngân sách tại thời điểm ra quyết định. Đối tượng của dòng ngân sách này bao gồm: lưới điện thông minh; công nghệ dự trữ năng lượng tái tạo; xe buýt điện; hỗ trợ thuế đối với phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu; và cải tạo các tòa nhà dân cư để chúng tiêu thụ năng lượng hiệu quả hơn. Nguồn thu chi ngân sách cũng được công khai với toàn dân. 

Bên cạnh năng lượng mặt trời, các nguồn năng lượng tái tạo của Thuỵ Điển rất đa dạng. Trong đó, công suất các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng gió - nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh nhất trên thế giới, cũng đang ngày càng mở rộng trên lãnh thổ nước này. Mặt khác, nguồn năng lượng sinh học lớn nhất ở Thuỵ Điển đến từ rừng (chiếm 63% diện tích lãnh thổ). 

Năng lượng từ hydro, nguồn năng lượng từ nhiên liệu ethanol (làm từ mía, ngũ cốc, củ cải đường…) cũng được chính phủ và xã hội quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, năng lượng song nước, sóng biển, nhiệt năng từ đất, nước không khí, thân nhiệt của con người cũng được coi là các nguồn năng lượng tái tạo có giá trị. Các chuyên gia cho rằng, tuy những công nghệ này vẫn chưa phát triển mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng đây có thể là lời giải của tương lai. 

Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”. 

Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, việc triển khai các các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Không chỉ thiếu vắng hành lang pháp lý mà các nguồn lực cho việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đều rất hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nền kinh tế nước nhà đang chịu thiệt hại nghiêm trọng. 

Dù vậy, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hoá thạch như một giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu đang là xu hướng của thế giới, mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Mặc dù một nền kinh tế vì khí hậu vẫn còn là một còn đường dài đối với Việt Nam nhưng đây cũng là con đường tất yếu. Và Thụy Điển là một minh chứng cho thấy chúng ta có thể sinh sống và làm việc mà không cần phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. 

Đọc thêm