Cách thích hợp giữ thể diện

(PLVN) - Ngay trong cuộc trao đổi trực tuyến đầu tiên với những người đồng cấp ở Anh, Pháp và Đức, tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã khơi dậy hy vọng về triển vọng mối quan hệ giữa Mỹ và Iran nói chung, cũng như số phận của thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) nói riêng sẽ sớm được các bên liên quan xử lý lại theo hướng giảm căng thẳng và đối địch. 
Ông Antony Blinken - tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.
Ông Antony Blinken - tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Ông Blinken cho biết phía Mỹ chấp nhận đề nghị của EU triệu tập cuộc gặp giữa tất cả các bên đã tham gia ký kết JCPOA (bao gồm Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) để bàn thảo về việc tiếp tục duy trì hiệu lực của thỏa thuận này. JCPOA được ký kết năm 2015 (thời Yổng thống Mỹ Barack Obama) và bị Yổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương lật ngược năm 2018.

Ai cũng biết mối quan hệ của Mỹ với Iran nói chung và việc xử lý vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran nói riêng hiện tại thuộc về những thách thức chính trị an ninh đối ngoại lớn nhất đối với ông Biden, ông Blinken và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ.

Khác với ông Trump và cộng sự, ông Biden và ông Blinken đều chủ trương tiếp tục thực hiện JCPOA để rồi từ đó hướng tới thỏa thuận mới song phương hoặc đa phương với Iran về cả vấn đề chương trình hạt nhân lẫn chương trình tên lửa của Iran. 

Phía Iran cũng nhìn nhận sự thay đổi chính quyền ở Mỹ từ ông Trump sang ông Biden là cơ hội. Vấn đề ở chỗ cả Mỹ lẫn Iran đều đặt điều kiện tiên quyết cho việc Mỹ tham gia trở lại JCPOA và Iran ngừng tiếp tục rút dần ra khỏi những cam kết trong JCPOA. Điều kiện của phía Iran là phía Mỹ trước hết phải chấm dứt những biện pháp chính sách trừng phạt như đã cam kết trong JCPOA. Còn điều kiện của phía Mỹ là Iran phải tuân thủ đầy đủ những quy định và cam kết trong JCPOA. Câu hỏi mấu chốt đặt ra ở đây là bên nào đi bước trước?

Câu trả lời không đơn giản vì vô cùng tế nhị và nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại đối với cả hai bên. Bên nào đi bước trước thì không thể tránh khỏi bị tổn hại thể diện và bị coi là yếu thế so với phía bên kia cho dù cả hai đều ý thức được rằng phải cùng nhượng bộ thì mới giải quyết được vấn đề lợi ích chiến lược hiện tại của mình.

Trong bối cảnh như thế, đề nghị trung gian hòaà giải của EU rất hữu ích khi có thể là cách thích hợp giúp Mỹ và Iran đi vào tiếp xúc và thương thảo trực tiếp với nhau mà không e ngại bị tổn hại thể diện hay bị coi là yếu thế so với nhau. Phía Mỹ còn khẳng định thiện chí với Iran khi tuyên bố không còn đòi hỏi Liên Hợp Quốc áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran.

Chính quyền mới ở Mỹ đang điều chỉnh chính sách đối với cả một số đồng minh và đối tác khác nữa của Mỹ trong khu vực. Tất cả những điều này đều có tác động mạnh mẽ tới diễn biến tiếp theo của mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Đọc thêm